Ngoại giao quốc tế có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19

Trong bài viết đăng trên trang moderndiplomacy.eu mới đây, chuyên gia nghiên cứu pháp lý Ashish Saraswat tại Đại học Nam Á ở New Delhi (Ấn Độ) cho rằng, Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe toàn cầu mà còn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, các quốc gia đã bắt đầu xem xét và đề xuất các biện pháp hợp tác song phương và khu vực để giải quyết đại dịch một cách hiệu quả. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây đã đề xuất thành lập Quỹ Khẩn cấp Covid-19, cùng với các quốc gia G-20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD để ứng phó đại dịch.

Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội mà còn khiến nền kinh tế thế giới điêu đứng. Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng có dấu hiệu cho thấy thế giới đã bước vào suy thoái. Để giải quyết tình trạng nghiêm trọng này, tất cả các quốc gia cần có phản ứng mạnh mẽ hơn, coi Covid-19 không chỉ là thách thức đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà còn là mối đe dọa an ninh.

Do đó, ngoại giao quốc tế trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu để giải quyết mối đe dọa của Covid-19 là rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong quản trị y tế, vì Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe toàn cầu mà còn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Vai trò của HĐBA LHQ và hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong giải quyết dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: AP)

Sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 sẽ ngày càng phổ biến hơn trong thế giới toàn cầu hóa và cần sự hợp tác của các thành viên của cộng đồng quốc tế trong đối phó với những đại dịch. Để vượt qua thách thức này, cần phải có khuôn khổ hợp tác y tế toàn cầu mạnh mẽ và toàn diện, trong đó chắc chắn phải có sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các chủ thể liên quan khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cơ quan liên chính phủ chính trong điều phối và hợp tác y tế toàn cầu, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra cho thấy cộng đồng quốc tế phải hợp tác sâu rộng hơn và cần có sự can thiệp của HĐBA LHQ như trong cuộc khủng hoảng Ebola.

Xét về mức độ lây nhiễm chưa từng có của Covid-19 trên toàn cầu, đại dịch này có thể được coi là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi dịch Ebola bùng phát, HĐBA đã thông qua nghị quyết 2177 (năm 2014) kêu gọi hành động ngay lập tức. Nhìn vào diễn biến dịch bệnh hiện nay, thế giới cần một phản ứng nhanh từ WHO để tăng cường sự lãnh đạo về kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động cho các chính phủ cùng các đối tác khác. Các vấn đề về kiểm dịch, điều trị và giáo dục công mà WHO đang thực hiện là nhu cầu cấp thiết. Nhưng để hiệu quả hơn, HĐBA LHQ cần thông qua một nghị quyết bắt buộc để có thể giúp thúc đẩy quá trình hợp tác toàn cầu.

Những nỗ lực của các nhân viên cứu trợ nhân đạo và y tế quốc tế là rất đáng khen ngợi, nhưng các nỗ lực của họ phải được bố trí hợp lý, như khả năng phân phối y tế và triển khai ngay lập tức tới các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tình hình hiện nay đang ngày càng nghiêm trọng và có cường độ lớn, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. LHQ đã đưa ra lời kêu gọi nhân đạo để hạn chế sự lây lan của Covid-19 và để giảm thiểu tác động của nó đối với các quốc gia có hệ thống y tế yếu.

Tuy nhiên, nhiều người hy vọng LHQ hành động mạnh hơn bằng cách thông qua một nghị quyết về Covid-19, nhằm thiết lập một sứ mệnh y tế khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát thêm, điều trị cho người nhiễm bệnh, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu, bảo vệ sự ổn định. Thế giới cần phải kiềm chế và chặn đứng Covid-19 thông qua các hành động phối hợp của LHQ.

Thu Hiền (Theo moderndiplomacy.eu)