Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/4 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 935.189 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra và 47.192 trường hợp tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 190.901 người. Trên thế giới có tới 34.855 bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nặng.
* Theo số liệu cập nhật đến rạng sáng 2/4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 215.003 người sau khi tăng thêm 26.473 người so với ngày trước đó.
Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt quá mốc 210.000 người. Số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận ở 4.713 người, tăng 660 người trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, số lượng phục hồi là 8.805 người, còn số ca bệnh nặng là 5.005 người.
Trong ngày 1/4, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2/4, và được đưa ra sau khi Thống đốc DeSantis tham vấn Tổng thống Donald Trump qua điện thoại.
Trong một diễn biến khác liên quan, Chính phủ Mỹ và chính quyền bang Florida cũng đã thảo luận về kế hoạch cho phép hàng nghìn hành khách trên tàu du lịch MS Zaandam được lên bờ. Trước đây chính quyền bang Florida phản đối điều này do lo ngại những người trên du thuyền có thể mang theo dịch bệnh truyền cho cư dân thành phố Fort Lauderdale ở phía Nam bang Florida, nơi con tàu sẽ cập bến để đưa người đi cách ly.
Tàu MS Zaandam thuộc sở hữu của công ty Holland America Line, chở 1.800 hành khách khởi hành từ Buenos Aires (Argentina) ngày 7/3 và dự kiến đến San Antonio gần thủ đô Santiago của Chile 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, con tàu này đã bị “mắc kẹt” ở Thái Bình Dương, tại vùng biển Panama từ ngày 14/3, sau khi 42 hành khách có các triệu chứng cúm. Một số cảng ở Nam Mỹ từ chối cho du thuyền cập bến và đến nay đã có 4 hành khách trên tàu tử vong.
Chủ tịch công ty Holland America Line, ông Orlando Ashford đã nhiều lần hối thúc các nhà chức trách cho phép hành khách trên du thuyền được cập bến khẩn cấp, vì tình hình hiện nay là “rất khó khăn”, “chưa từng thấy” và là tình huống “thử thách tình người”.
* Ngày 1/4, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 39 ca tử vong do mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 240 người, trong khi số ca dương tính cũng đã lên tới 6.836 người, tăng 1.119 người so với số liệu thống kê trước đó.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta cảnh báo số ca nhiễm vẫn có thể sẽ tăng lên nhiều hơn nữa trong những tuần tới khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt trang thiệt bị y tế như khẩu trang và máy trợ thở do nhu cầu của các mặt hàng này trên thế giới đang ở mức rất cao.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina Correa cho biết nguồn lương thực cung cấp cho các địa phương trên cả nước vẫn được bảo đảm và không có chuyện khan hiếm các mặt hàng thiết yếu. Tuyên bố trên của bà Correa được đưa ra trong bối cảnh trước đó Tổng thống nước này Jair Bolsonaro đăng tải trên mạng xã hội một đoạn băng ghi lại hình ảnh về một khu chợ ở Belo Horizonte được cho là không còn bất kỳ một loại thực phẩm nào bán cho nhân dân. Mặc dù sau đó ít giờ vị Tổng thống cực hữu này đã phải gỡ bỏ đoạn băng song cũng dấy lên tâm lý lo ngại trong xã hội.
Tong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Brazil thông báo đã ghi nhận 62 binh sĩ và sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang nước này nhiễm SARS-CoV-2. Hiện nay, tất cả những quân nhân này đã được cách ly và theo dõi y tế. Trong chiến lược phòng chống Covid-19, Bộ trên đã huy động 18.000 binh sĩ tham gia hỗ trợ cho các địa phương.
* Ngày 1/4 , Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này lên 1.380 trường hợp. Tuy nhiên, đây là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.
Phát biểu tại buổi lễ cùng ngày nhân dịp ra mắt 60 xe lưu động sử dụng trong việc lấy mẫu và xét nghiệm các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize nhấn mạnh số lượng ca nhiễm mới tại Nam Phi giảm đi trong những ngày qua là kết quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ trong việc đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm ứng phó và đẩy lùi đà lây lan của dịch COVID-19.
Trước đó, hôm 23/3, Nam Phi đã ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày kể từ 24h ngày 26/3 đến 24h ngày 16/4.
* Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, ngày 1/4, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi ký sắc lệnh, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết, các quy định hạn chế như hiện nay sẽ tiếp tục được kéo dài đến ngày 13/4.
Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khẳng định: “hiện chưa có cơ sở để khẳng định các quy định hạn chế sẽ được nới lỏng sau ngày 13/4. Các quyết định của chính phủ sẽ dựa trên ý kiến của hội đồng khoa học. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được cải thiện, Italy sẽ bước vào giai đoạn 2 với các quy định hạn chế sẽ được giảm dần và sau đó là giai đoạn 3 với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và bắt đầu quá trình tái thiết đất nước”.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 1/4, nước này ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 110.574 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 13.155 trường hợp (tăng 727 ca). Số ca hồi phục tăng lên 16.847 ca (tăng 1.118 ca).
Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.403 ca nhập viện, 4.035 ca phải điều trị tích cực và 48.134 ca cách ly tại nơi ở.
* Ngày 1/4, trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Nội các, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết nước này dành gần 18 tỷ USD để chống lại sự lây lan của virus corona cũng như tình trạng suy thoái kinh tế kèm theo đó.
Ông Mishustin cam kết thực hiện các biện pháp bổ sung đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế đứng bên bờ vực suy thoái này. Nga đang tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 trong khi còn phải đối mặt với cú sốc giá dầu – một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga – tụt xuống mức thấp trong 18 năm qua kèm theo sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ.
Thủ tướng Mishustin thông báo: “Tổng cộng, Bộ Tài chính đã dành 1.400 tỷ Rúp (17,8 tỷ USD) cho mục đích chống lây nhiễm virus corona và các hành động chống khủng hoảng”. Theo ông Mishustin, Chính phủ đang xem xét gói các biện pháp mới “nhằm khắc phục hậu quả lây nhiễm SARS-CoV-2”. Nga đã giảm thuế và nới lỏng qui định pháp lý đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do COVID-19, như trong các lĩnh vực ăn uống, du lịch, văn hóa thể thao cũng như chiếu phim.
Các biện pháp mới này nhằm hỗ trợ việc làm cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh Nga tăng cường các qui định ngăn chặn virus lây lan tới nhiều khu vực hơn trong khi số người nhiễm SARS-CoV-2 chính thức đã tăng lên 2.777 người.
* Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người tử vong vì dịch Covid-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1/3, trong đó 83% trên 70 tuổi.
Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm là 56.989 bệnh nhân, tăng 4.861 người so với 1 ngày trước. Trong số 24.639 bệnh nhân (tăng 1.882) có triệu chứng nặng phải nhập viện, 6.017 người (tăng 452) đang được chăm sóc đặc biệt. Gần 11.000 người đã được chữa khỏi và ra viện.
Tối 1/4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, hiện đã bước sang tuần thứ 3, ông Philippe cho biết các nhóm làm việc của Chính phủ dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản. Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra “cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người”, ông nhấn mạnh.
Các kịch bản được đề ra theo vùng miền, theo các xét nghiệm thậm chí theo nhóm tuổi. Sự quyết định cũng sẽ phụ thuộc vào các phương pháp điều trị cũng như cách thức hoạt động của virus. Bên cạnh đó, một chỉ số quyết định là “số bệnh nhân nặng phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt”. Ông Philippe hy vọng có thể công bố một chiến lược dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại trong những ngày tới.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 203.848 ca mắc và 4.482 ca tử vong do COVID-19. Thứ hai là Italy với 110.574 ca mắc và 13.155 ca tử vong. Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ 3 với 102.136 ca mắc và 9.053 ca tử vong. Trung Quốc đứng thứ 4 với 81.554 ca mắc và 3.312 ca tử vong.
Cả thế giới nắm chặt tay nhau trong cuộc chiến chống ‘kẻ thù vô hình’ mang tên Covid-19TGVN. Không nghi ngờ một thực tế là cả thế giới đang chiến đấu với một kẻ thù chung, đó là virus SARS-CoV-2 gây bệnh …
Cập nhật 19h ngày 1/4: Nga chính thức gửi viện trợ y tế giúp Mỹ chống dịch Covid-19, Tổng thống Putin thực hiện tự cách lyTGVN. Nga vừa điều một máy bay chở viện trợ y tế tới Mỹ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 …
Dịch Covid-19: Cách mà Việt Nam có thế phòng chống ‘giặc’ dịch tốt hơn PhápTGVN. Tạp chí L’Obs của Pháp mới đây đã có bài viết phân tích cách Việt Nam, một quốc gia đang phát triển lại có …
Thế Việt (tổng hợp)