Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố một khoản đầu tư đặc biệt lên tới bốn tỷ euro để sản xuất kịp thời các loại thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Mục tiêu là tới cuối năm nay, Pháp có thể tự cung cấp cho nhu cầu trong nước.
Phát biểu trong chuyến thăm sáng 31-3 tới Nhà máy sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế Kolmi-Hopen ở tỉnh Maine-et-Loire cách Paris khoảng 300 về phía tây, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định rằng, đây là sự huy động tài chính rất lớn của Nhà nước để bảo đảm đủ nguồn cung cấp các sản phẩm gồm thuốc men, khẩu trang và mặt nạ ô-xy nhằm chống lại dịch bệnh Covid-19.
Thông báo về việc huy động các nguồn lực để tăng cường sản xuất khẩu trang FFP2, Tổng thống Pháp cho biết mục tiêu là có đủ số lượng để cung cấp cho những người phải tiếp tục làm việc trong giai đoạn có dịch bệnh, không chỉ các nhân viên của ngành y tế mà cả những ngành đang tiếp tục cung cấp dịch vụ thiết yếu. Dự kiến, đến cuối tháng 4, Pháp có thể sản xuất 15 triệu khẩu trang/tuần. Để kịp thời cứu chữa những bệnh nhân nặng, việc sản xuất mặt nạ ô-xy cũng được tăng tốc tại một số nơi để có thể cung cấp khoảng 10 nghìn chiếc vào cuối tháng 5.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Chính phủ đã tiến hành các cải cách để tăng khả năng cạnh tranh của nước Pháp nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có như hiện nay cho thấy, nước Pháp phải tăng năng lực sản xuất và độc lập, tự chủ về nguồn cung cấp sản phẩm y tế, nhất là khẩu trang y tế.
Nhằm chuẩn bị mọi khả năng để ứng phó cao điểm của dịch bệnh trong những ngày tới, Chính phủ Pháp đã tăng cường mua trang thiết bị y tế, nhất là khẩu trang, giường cấp cứu, máy thở và dụng cụ xét nghiệm Covid-19. Các công ty ở Pháp đã tăng hết công suất nhưng chỉ có thể cung cấp khoảng 40 triệu khẩu trang y tế/tháng, trong khi đó nhu cầu sử dụng hiện nay là 40 triệu chiếc/tuần. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã đặt hơn một tỷ khẩu trang từ các nhà sản xuất ở trong và ngoài nước.
Năm 2015, Pháp dự trữ khoảng 600 triệu khẩu trang FFP2, nhưng sau đó giảm rất nhiều do hết hạn và cho rằng có thể nhập khẩu khi cần thiết. Bên cạnh đó, việc cắt giảm ngân sách khiến các bệnh viện không có chủ trương dự trữ nhiều mà chỉ đặt mua với số lượng đủ dùng. Chính vì vậy, khi bệnh dịch bùng phát và lan rộng cùng với nguồn cung cấp từ Trung Quốc bị gián đoạn, tình trạng thiếu hụt, khan hiếm khẩu trang đã diễn ra nghiêm trọng.
So với một số nước trong khu vực như Đức hay Thụy Sĩ, số lượng xét nghiệm ở Pháp vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 100 nghìn tính tới ngày 24-3. Kênh truyền hình BFM trích dẫn ý kiến của các chuyên gia y tế cho biết, phương pháp sàng lọc ở Pháp là chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng bệnh nặng, do đó có tới khoảng 19,9% được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus corona. Trong khi đó, tỷ lệ này ở mức dưới 4% tại Đức hay Hàn Quốc. Bộ Y tế Pháp đang nỗ lực tăng cường số lượng xét nghiệm từ 12 nghìn xét nghiệm/ngày hiện nay lên 50 nghìn vào cuối tháng 4 để kịp thời cứu chữa những người bị bệnh nặng.
Tính tới tối 30-3, Pháp xác nhận 44.550 ca nhiễm và 3.024 ca tử vong. Có 7.927 trường hợp đã khỏi bệnh và 5.056 người đang được chăm sóc đặc biệt. Các cơ quan y tế cảnh báo rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong những ngày tới ở các điểm nóng, nhất là vùng thủ đô Île-de-France với 954 ca tử vong.
Khải Hoàn (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)