Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Di cư quốc tế, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Văn phòng Nhân quyền LHQ ngày 31/3 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh các quyền và sức khỏe của người tị nạn, người di cư và người không quốc tịch cần phải được bảo vệ trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vì họ có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuyên bố chung cho rằng trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh, nhưng với nhiều người tị nạn, những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, người di cư và những người không quốc tịch có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn rất nhiều. Các quốc gia cần được hỗ trợ tài chính để đảm bảo rằng người tị nạn và người di cư có quyền tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế trong nước, đồng thời nhấn mạnh các tổ chức tài chính quốc tế có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc cung cấp các khoản hỗ trợ đó.
Các cơ quan của LHQ lưu ý có tới 3/4 người tỵ nạn trên thế giới và nhiều người di cư đang tạm trú ở các nước đang phát triển, nơi có hệ thống y tế đã quá tải và không có đủ năng lực. Nhiều người sống trong các trại tị nạn, khu định cư, nhà tạm hoặc trung tâm tiếp nhận quá đông đúc, những nơi mà họ không có đầy đủ quyền tiếp cập các dịch vụ y tế, nước sạch và vệ sinh.
Trong tuyên bố chung, các cơ quan của LHQ không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào, nhưng gần đây các cơ quan của LHQ đã bày tỏ sự quan tâm đến tình hình người di cư, người tị nạn ở các nước như Afghanistan, Burkina Faso, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Libya, Nam Sudan, Sudan và Syria.
Các cơ quan của LHQ nhấn mạnh điều quan trọng là tất cả mọi người, bao gồm cả người di cư, người tị nạn phải được đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với các dịch vụ y tế, bao gồm việc phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị. Việc bảo vệ người tỵ nạn, người di cư cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cùng ngày cảnh báo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần tránh gây tổn hại nguyên tắc chung khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trong một phát biểu ngày 31/3, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh điều quan trọng hơn hết là các biện pháp khẩn cấp chống dịch COVID-19 của các quốc gia thành viên không làm xói mòn các nguyên tắc và giá trị cơ bản của khối liên minh này.
Người đứng đầu EC đưa ra tuyên bố trên sau khi Quốc hội Hungary ngày 30/3 thông qua dự luật, với tỷ lệ 137 phiếu thuận và 52 phiếu chống, trao quyền cho Thủ tướng Victor Orban điều hành đất nước bằng sắc lệnh không giới hạn về thời gian.
Dự luật trên cho phép áp dụng hình phạt tù đối với những người cản trở các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 hoặc phát tán thông tin sai lệch liên quan tới dịch bệnh.
Cũng trong ngày 30/3, dự luật đã được Tổng thống Hungary Janos Ader ký ban hành luật. EC cho biết sẽ theo dõi việc Hungary thực thi luật này.