Ngày 31-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Nhóm công tác được thành lập theo đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy phối hợp đồng bộ, liên ngành của cả Cộng đồng ASEAN ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hội nghị có sự tham dự của các Quan chức cao cấp ASEAN của 3 trụ cột: Chính trị-An ninh (SOM), Kinh tế (SEOM), Văn hóa-Xã hội (SOCA); các kênh hợp tác chuyên ngành: quốc phòng, y tế, lao động, quản lý xuất nhập cảnh, thông tin, giao thông, nông nghiệp…; Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) và Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị đã trao đổi sâu rộng về tình hình dịch bệnh ở các nước thành viên ASEAN, các biện pháp được tiến hành bởi mỗi quốc gia cũng như của các cơ quan chuyên ngành và cả Cộng đồng ASEAN kể từ khi bùng phát dịch bệnh tới nay. Các quan chức cao cấp các trụ cột Cộng đồng ASEAN nhất trí khuyến nghị lên Hội đồng Điều phối ASEAN (cấp Bộ trưởng Ngoại giao) các đề xuất hợp tác và phối hợp cụ thể, thiết thực để huy động sức mạnh tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát, ngăn chặn lây lan của dịch bệnh cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế, xã hội các nước thành viên.
Các nước ASEAN nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ASEAN cũng như với các Đối tác trong phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và điều trị các ca bệnh, hợp tác đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, duy trì nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân và trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ và bảo vệ kịp thời cho công dân các nước thành viên ASEAN ở các vùng dịch bệnh, ngăn ngừa và chặn đứng thông tin giả mạo, sai lệch…
ASEAN cũng sẽ tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp và chính sách đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, cam kết duy trì mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, thương mại và đầu tư ổn định, đảm bảo an sinh xã hội…
Hội nghị đã thống nhất đệ trình các khuyến nghị về phương hướng hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) để xin ý kiến chỉ đạo của các Bộ trưởng trước khi báo cáo lên Lãnh đạo cấp cao ASEAN. Các nước cũng cơ bản nhất trí sẽ tổ chức trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN về phòng chống Covid-19 trong đầu tháng 4-2020.
WHO cảnh báo châu Á không nên lơ là cảnh giác với đại dịch
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai ngày 31-3 nhận định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra “còn lâu mới kết thúc” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và các biện pháp hiện nay để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này đơn thuần là đang mua thời gian cho các nước để chuẩn bị cho những trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn. Phát biểu tại cuộc họp báo truyền thông trực tuyến, ông Kasai phân tích, kể cả với tất cả các biện pháp này, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong khu vực sẽ không biến mất chừng nào dịch Covid còn tiếp diễn. Theo ông Takeshi Kasai, công tác chuẩn bị cho sự lây nhiễm quy mô lớn phải tiếp cận đến mọi người. Ông cảnh báo rằng các nước đang chứng kiến số lượng ca mắc giảm dần không nên lơ là cảnh giác, nếu không SARS-CoV-2 có thể gia tăng trở lại. |