Tiếng kêu cứu của Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra thường xuyên hơn khi dòng chảy bị bức tử từ thượng nguồn.
Từ tháng 10.2019 đến tháng 3.2020, theo Ủy hội Sông Mê Kông Việt Nam, mực nước sông ở lưu vực châu thổ xuống thấp nhất trong vòng 101 năm qua. “Tốc độ thay đổi ngày một gia tăng của Mê Kông, xuất phát từ những tác động đã được tích lũy trong thời gian dài của các tác nhân xuyên biên giới và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, Zeb Hogan, nhà sinh học chuyên nghiên cứu về cá ở Trường Đại học Nevada, Reno (Mỹ), chia sẻ.
“Tác nhân xuyên biên giới” được đề cập ở đây chính là hàng trăm đập thủy điện lớn, nhỏ đang chặn dòng chảy tự nhiên của dòng sông này. Theo ước tính của Nhóm Tư vấn Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR, đến năm 2030, cả vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị bao phủ bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn, nhỏ. Lưu lượng sông tới được vùng cửa biển sẽ giảm trên 50%.
Việc phát triển thủy điện của các nước thượng nguồn đến năm 2040 cũng dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp cá. Tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm từ 35-40% trong năm 2020 và 40-80% vào năm 2040, báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông Quốc tế (MRC). Theo đó, Mê Kông sẽ mất dần vai trò cho tới khi không còn khả năng hỗ trợ sự đa dạng sinh học của tự nhiên cũng như đem lại nguồn sống cho hàng triệu người.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện mùa mưa trên lưu vực sông Mê Kông đã kết thúc, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh từ đầu tháng 12.2019 đến nay. Cùng với đó, hàng loạt thủy điện dọc dòng sông Mê Kông đã đồng loạt tích nước khiến dòng chảy đã giảm, nay càng giảm hơn. Thể tích nước trong Biển Hồ Campuchia đến nay đã giảm 33 tỉ m3 so với đầu tháng 10.2019.
Nước không đổ về hạ lưu đồng nghĩa với việc áp suất nước sông Cửu Long giảm, tạo điều kiện cho nước mặn tràn vào. Cộng với tác động của triều cường theo chu kỳ của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao, lấn sâu vào trong nội đồng. Tính đến đầu tháng 3, gần 39.000ha lúa khả năng mất trắng, trên 20.000ha cây ăn trái báo động đỏ, thiệt hại 43.000ha rừng. Vườn Quốc gia U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy. Xâm nhập mặn đang đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó 5 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai khi hạn mặn đã vượt đợt hạn kỷ lục năm 2016.
Chia sẻ với truyền thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Do nhu cầu phát triển kinh tế, các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đã sử dụng triệt để những nguồn nước này hiện tại và trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không hợp tác tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng nguồn nước chảy về nguồn”. Tuy nhiên, Trung Quốc và các quốc gia thượng nguồn vẫn muốn chế ngự hơn là hợp tác cùng hưởng lợi từ con sông. Những quy định của MRC đưa ra, nhằm bảo vệ lợi ích bền vững của lưu vực sông Mê Kông đã bị phớt lờ. Từ năm 2010 đến nay đã có trên 30 dự án thủy điện được xây dựng và khai thác mới. Nhưng chỉ có 3 dự án được đưa ra thảo luận và kết quả là không có sự đồng tình nào.
“Bây giờ, Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau. Năm 2016 với lưu lượng xả 2.100 m3/giây nước còn không tới được, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), nhận định.
Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, từ giữa năm 2019, Nhà nước đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn, đồng thời yêu cầu các địa phương và người dân chủ động, tích cực phòng tránh. Nhiều giải pháp cũng được đưa ra như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày, đưa vào vận hành hàng loạt công trình thủy lợi điều tiết ngăn mặn, thúc đẩy sáng tạo biến nước mặn thành ngọt cũng đang diễn ra sôi nổi ở miền Tây… Nhờ vậy, có tới 93% diện tích lúa đông xuân của vùng đã tránh hạn và né mặn thành công.
Trên tổng thể vùng đồng bằng Mê Kông (gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) mỗi năm cung cấp cho Trung Quốc ước chừng 15 tỉ USD lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu ra thế giới trên 12 triệu tấn gạo. Hạ lưu vực sông Mê Kông là một trong những vựa cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới với khoảng 850 loài cá và sản lượng khoảng 4 triệu tấn mỗi năm.
Ngăn chặn việc xây mới các dự án thủy điện, tháo dỡ các đập hiện tại, trả lại sự tuần hoàn cho nước, không chỉ là giảm thiệt hại kinh tế do hạn hán ở các nước trong lưu vực mà đây còn là yếu tố quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái nước ngọt của thế giới. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát như hiện nay.