Đưa nước sang cứu miền Tây?

Ý tưởng chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để cứu ĐBSCL là thiếu thực tế, “nước xa không cứu được lửa gần”. Vấn đề của ĐBSCL phải được giải quyết bằng các biện pháp tại chỗ.

Một trang báo mới đây có đăng bài: “Chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để cứu ĐBSCL?”, trong đó phản ánh ý kiến của GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, xung quanh các ý tưởng chuyển nước, xây hồ… Vấn đề này cần được thảo luận để rộng đường dư luận.

Chẳng thấm tháp gì!

Trên thế giới, chuyển nước từ vùng này qua vùng nọ, từ lưu vực này qua lưu vực khác đã từng có. Trung Quốc có “Nam thủy Bắc điều”; ở Liên Xô trước đây cũng dự định có dự án “Bắc thủy Nam điều” nhưng đều gặp khó khăn trở ngại, làm mấy chục năm vẫn không xong. Ở Ý có dự án lấy nước từ một hồ nước ngầm castor siêu lớn ở vùng đồi núi miền Trung Ý (do một kỹ sư địa chất người Pháp phát hiện) bằng hệ thống kênh chìm xuôi về phục vụ cấp nước sinh hoạt cho dân thủ đô và các tỉnh lân cận…

GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Chiến lược ngọt hóa dài hạn cần phải tính đến chuyện chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây bằng các đường dẫn nước, đồng thời phải xây dựng các hồ trữ nước ngọt đạt chuẩn. Như vậy mới là ngọt hóa đúng nghĩa”.

Trước đây, Bộ NN-PTNT đã có dự án chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây nhưng quy mô nhỏ. Cụ thể, là dự án Phước Hòa chỉ đủ khả năng chuyển nước sinh hoạt và công nghiệp (4,0 m3/giây) và sản xuất nông nghiệp (17.560 ha khu tưới Đức Hòa, tỉnh Long An) nhưng xa hơn nữa thì phải chuyển đổi nước sản xuất nông nghiệp sang cấp nước sinh hoạt và phạm vi rất hạn chế.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện hạn, mặn nghiêm trọng. (Ảnh: VÂN DU)

Đề xuất của GS Vũ Trọng Hồng chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây để cứu ĐBSCL khắc phục tình trạng hạn, kiệt, mặn là không thực tế. Minh chứng, ngày 28-3-2020, lưu lượng chảy xuống hạ lưu của Trị An là 70 m3/giây và của Srok Phú Miềng là 56,7 m3/giây. Bên Dầu Tiếng không xả xuống sông. Lưu lượng Srok Phú Miềng về tới Phước Hòa dù có xả toàn bộ xuống sông Bé thì tại ngã ba Trị An tổng cộng cũng chỉ có 126,7 m3/giây. Trong khi đó, lưu lượng chảy về tại Tân Châu + Châu Đốc, chỉ tính lưu lượng nước ngọt từ thượng lưu chảy về, lớn hơn con số trên cả vài chục lần. Lưu lượng Tân Châu + Châu Đốc không đủ chống xâm nhập mặn thì chuyển thêm một lượng nước chút xíu liệu có ích gì hay là lại tạo ra một thảm họa thiếu nước cho miền Đông vì ngay TP HCM cũng nhiều lúc phải yêu cầu hồ Trị An và Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn cho việc cấp nước sinh hoạt của người dân?

“Đồng chó ngáp” không phải hồ chứa

Mặt khác, GS Hồng còn cho rằng “sai lầm lớn về chiến lược thủy lợi khi bỏ đi chỗ chứa nước. Trước đây, khi có Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên chứa nước, nó đẩy nước mặn ra nên vào mùa nước mặn, ĐBSCL không gặp vấn đề gì”.

Chế độ khí hậu ĐBSCL là chế độ khí hậu gió mùa nhiệt đới gần xích đạo, có mùa khô, hạn, kiệt trùng với hoàn lưu gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau (tùy từng năm). Mùa mưa, lũ lụt trùng với hoàn lưu gió mùa Tây Nam kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11. Mùa khô, hạn, kiệt, mặn ĐBSCL tương phản cực kỳ sâu sắc với mùa mưa, lũ, lụt. Mùa lũ trong các vùng trũng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười ngập lụt sâu, kéo dài ngày, vì vậy vào mùa mưa lũ nơi đây người dân có câu “chó không có chỗ mà nằm”. Liền ngay sau đó, vào mùa khô, nước trong các vùng ngập lụt rút nhanh dồn hết vào sông, kênh rạch, tiếp tục rút nhanh dần ra biển theo quy luật thủy văn sông Mê Kông và đạt mức thấp nhất năm vào tháng 3 hoặc tháng 4 (tùy từng năm), làm cho các vùng ngập lụt ĐBSCL như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên (mà nhiều người ở xa lầm nghĩ rằng đó là những hồ chứa nước) đã trơ đáy, khô nứt nẻ liên tục trong các tháng 2 và 3, có năm kéo dài tới tháng 4 đầu tháng 5, lấy đâu ra nước để đẩy mặn cho ĐBSCL!?

Sau năm 1975, ĐBSCL kể cả Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau là những cánh đồng cỏ năn, mặn, chua phèn, dân gọi là “cánh đồng chó ngáp”, bỏ hoang. Do dân số ngày càng đông, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là khi đó, cả nước đói vàng mắt phải ăn cả bo bo nên nhà nước và nhân dân hợp lực khai hoang, đột phá là thủy lợi. Kênh dẫn nước ngọt Hồng Ngự là tiêu biểu ở Đồng Tháp Mười được người dân trìu mến nhớ ơn nhà nước tự đặt tên là “kênh Trung ương”.

Lợi ích lớn của hệ thống đê bao

Công tác thủy lợi trên ĐBSCL được khởi xướng từ thời cụ Thoại Ngọc Hầu (nhà Nguyễn) cho tới nay đã trên 200 năm rồi, luôn nhất quán theo phương châm “phát triển giao thông kết hợp làm thủy lợi và phân bố dân cư” trên một miền đất rộng 4 triệu ha khá bằng phẳng, thấp trũng, có ba bề là biển và một bề là sông. Đặc biệt, từ sau năm 1975, nhận thức không thể xây dựng hệ thống đê quốc gia dọc sông Tiền – Hậu – Vàm Nao, ĐBSCL tiếp tục sự nghiệp “phát triển giao thông kết hợp làm thủy lợi và phân bố dân cư” và sáng tạo thêm “xây dựng hệ thống đê bao theo nguyên tắc dựa vào thế địa hình, thế sông kênh rạch, thế nước – để lên đê phòng chống lũ cho từng cánh đồng có diện tích từ vài ba trăm hecta đến dăm ba ngàn hecta mà không gây ra cản lũ trên hệ thống sông, kênh rạch ĐBSCL”. Hệ thống đê này có nhiệm vụ phòng chống lũ lụt khi có lũ cao và tích lũ phòng chống hạn – kiệt – mặn khi lũ thấp.

Người dân ở An Giang vận dụng hệ thống đê bao để làm lúa vụ 3, làm hồ chứa nước tự nhiên với quy trình xả lũ định kỳ (có năm không làm lúa vụ 3 và cho nước vào) để giữ nước thay vì đào hồ chứa nước, tốn đất, tốn chi phí công trình. Cụ thể như ở huyện Phú Tân thực hiện “3 năm 8 vụ” duy trì nhiều năm, phát huy hiệu quả tốt, dân hưởng ứng. Có lúc Huyện ủy không chịu, sợ giảm tốc độ tăng GDP nhưng mùa vụ bị lệch, sản xuất kém hiệu quả do tốn phân, dân phản ứng nên trở lại quy trình xả lũ định kỳ.

Tính khoa học và tính thực tiễn của lợi ích to lớn do hệ thống đê bao mang lại cho ĐBSCL đã được nhiều công trình khoa học nghiêm túc đánh giá, đặc biệt các hội thảo khoa học gần đây của Tổ chức REACT (châu Âu tài trợ cho Lào – Campuchia – Việt Nam nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Mê Kông) đều khẳng định lợi ích kép của hệ thống đê bao trong vùng ngập lụt ĐBSCL.

ĐBSCL không thể xây hồ tích nước tại chỗ, quy mô lớn trên ĐBSCL với mục tiêu sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kể cả cho mục đích sinh hoạt cũng khó vì lượng bốc hơi ở đây rất lớn, phải chứa nước mưa vào bể kín, để dành dùng trong mùa khô. Miền Bắc và miền Trung xây hồ, tích nước ở khu vực cao rồi làm kênh dẫn nước về vùng hạn, kiệt, mặn. ĐBSCL địa hình thấp, bằng phẳng, đất chua phèn, đào hồ siêu lớn có cao trình dưới – (3-4 m) để tích nước sẽ bốc hơi, thấm dọc và thấm ngang theo quy luật rút dần đến kiệt của dòng chảy hệ thống sông kênh, vả lại quỹ đất ĐBSCL là không thể lãng phí thêm do đã có hệ thống sông kênh dày đặc, vì địa chất ĐBSCL là trầm tích dày nhiều lớp sẽ làm nước hồ nhiễm mặn, chua phèn và tích tụ chất độc của sản xuất và đời sống dồn vào.

Muốn ngọt hóa thì phải ngăn mặn

GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Việc xây thêm cống ngăn mặn ở biển là biện pháp tốn kém nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, lượng nước ngọt từ thượng nguồn về đến các nhánh sông Cửu Long bị đứt đoạn là do các nước phía trên thượng nguồn xây đập thủy điện gây tác động tới dòng chảy”.

Tuy bây giờ người ta ngại nói đến ngọt hóa ở ĐBSCL nhưng phải khẳng định một điều: Nhu cầu về nước ngọt luôn luôn tồn tại ở bất kỳ đâu, cả cho sản xuất và sinh hoạt. Ngay nuôi tôm, tùy theo thời kỳ sinh trưởng vẫn cần có nước ngọt để pha loãng nồng độ mặn. Nhiều nơi, vì thiếu nguồn nước ngọt đã sử dụng nước ngầm quá mức cho sản xuất dẫn đến lún sụt càng nghiêm trọng.

Muốn dẫn ngọt thì trước hết phải ngăn mặn hay nói cách khác là kiểm soát mặn. Về nguyên lý thì không thể ngọt hóa nếu không kiểm soát mặn. Các cống kiểm soát mặn ở ĐBSCL thời gian qua chủ yếu được xây dựng trên các kênh nhánh của dòng Cửu Long, chưa có công trình trên dòng chính, ngoại trừ cống đập Ba Lai nhưng Ba Lai chỉ là cửa sông nhỏ nhất và vốn đã thoái hóa (bị bồi lấp dần) từ trước.

Trong tương lai, có cần phải làm thêm công trình thủy lợi kiểm soát triều, mặn trên một số dòng chính của sông Cửu Long còn phụ thuộc vào diễn biến thực tế của lượng dòng chảy, khả năng kinh tế, công nghệ, đánh giá tác động môi trường và bài toán được – mất.

Cần hệ thống cống điều khiển dòng mặn

Vấn đề hạn, kiệt, mặn ở ĐBSCL bao giờ cũng gắn chặt và là “con đẻ” của các tác nhân như cực đoan thời tiết, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn do gia tăng dùng nước phục vụ sản xuất và đời sống của các quốc gia dọc sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, muốn ngọt hóa, phải xây dựng hệ thống cống điều khiển dòng mặn, ngọt thích hợp cả đầu ra và đầu vào trên hệ thống kênh trục, sông nhánh phụ, sông cụt, biến lòng dẫn của chúng thành hệ thống hồ chứa nước hoạt động “lưu động theo thời gian và nhịp điệu của từng con triều” để bẫy triều, kiểm soát mặn, tích ngọt. Hệ thống này chỉ hoạt động trong thời gian cao điểm mùa khô nói trên, mùa mưa mở toang hết các cửa cống điều khiển cả đầu ra và đầu vào trở lại bình thường.

TS TÔ VĂN TRƯỜNG

Nguồn: