Lời cảnh cáo từ thiên nhiên

Thiên nhiên gửi cho chúng ta một thông điệp qua đại dịch virus corona và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen nhấn mạnh.

Một thân cây đứng trơ trọi trong khu vực bị khai thác để chuẩn bị canh tác ở bang Sarawak, Malaysia. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/Getty Images)

Andersen cho rằng loài người đã đặt quá nhiều áp lực lên thế giới tự nhiên với những hậu quả tai hại, và cảnh báo rằng không chăm chút hành tinh này đồng nghĩa với việc không chăm chút chính bản thân chúng ta.

Các khoa học gia hàng đầu cũng nhận định dịch Covid-19 là “phát súng” cảnh báo rõ ràng dù thực tế còn nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn tồn tại trong động vật hoang dã, và nền văn minh ngày nay “đang đùa với lửa”. Mọi bệnh tật lây truyền từ động vật luôn khởi phát từ con người.

Để ngăn chặn các dịch bệnh khác lây lan và bùng phát, các chuyên gia cho rằng cần phải chấm dứt cả việc làm toàn cầu nóng lên và phá hủy thế giới tự nhiên để canh tác, khai khoáng và làm nhà ở bởi các hoạt động này đều khiến động vật hoang dã tiếp xúc với con người.

Họ cũng kêu gọi các nước chấm dứt các chợ buôn bán động vật sống – nơi được ví như “bát trộn lý tưởng” cho dịch bệnh – và buôn lậu động vật toàn cầu.

Andersen cho biết ưu tiên trước mắt là bảo vệ mọi người và ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

“Tuy nhiên, giải pháp lâu dài của chúng tôi là phải giải quyết vấn đề mất sinh cảnh và đa dạng sinh học”.

“Trước đây, chưa từng có nhiều cơ hội cho mầm bệnh truyền từ động vật hoang dã và gia súc sang người”, Andersen giải thích thực tế rằng 75% tất cả các bệnh truyền nhiễm mới bắt nguồn từ động vật hoang dã.

“Tiếp tục làm xói mòn không gian hoang dã khiến chúng ta tiếp xúc gần và không mấy thoải mái với động thực vật có chứa các bệnh có thể lây sang người”.

Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng lưu ý đến các tác động môi trường khác, chẳng hạn như các vụ cháy rừng ở Úc, các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ và cuộc xâm lược châu chấu tồi tệ nhất ở Kenya trong 70 năm qua.

Cá thể dười ươi tìm chỗ trú ẩn khi máy ủi hất tung một gốc cây ở huyện Ketapang, Tây Borneo. (Ảnh: International Animal Rescue)

“Sau cùng, [với] tất cả những sự kiện này, thiên nhiên đang gửi cho chúng ta một thông điệp”.

“Có quá nhiều áp lực cùng một lúc lên các hệ thống tự nhiên và phải mất đi một cái gì đó. Chúng ta có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên, dù muốn hay không. Nếu chúng ta không chăm chút cho thiên nhiên, chúng ta cũng không thể nào chăm chút bản thân. Và dân số hành tinh này sắp đạt mốc 10 tỷ người, chúng ta cần hướng tới tương lai với tâm niệm rằng thiên nhiên là đồng minh mạnh nhất”.

Dịch bệnh truyền nhiễm ở người đang gia tăng. Trong những năm gần đây đã có Ebola, cúm gia cầm, MERS, sốt Rift Valley, SARS, virus Tây sông Nile và virus Zika truyền từ động vật sang người.

Giáo sư Andrew Cunningham thuộc Hiệp hội Động vật học London cho biết: “Covid-19 xuất hiện và lan rộng không chỉ có thể dự đoán được mà người ta đã dự đoán rằng sẽ có bênh dịch từ động vật hoang dã đe dọa tới sức khỏe cộng đồng”. Một nghiên cứu công bố năm 2007 về dịch SARS bùng phát năm 2002-2003 đã kết luận: “Sự hiện diện của một ổ lớn virus tương tự Sars-CoV trên dơi lá mũi, cùng với văn hóa ăn động vật độc lạ ở miền nam Trung Quốc, là một quả bom hẹn giờ”.

Theo Cunningham, các bệnh khác từ động vật hoang dã có tỷ lệ tử vong cao hơn ở người như 50% đối với Ebola và 60% – 75% đối với virus Nipahv – lây truyền từ dơi ở Nam Á. “Mặc dù tại thời điểm này có thể bạn không nghĩ như thế, có lẽ chúng ta gặp may với [Covid-19]. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên coi đây là một phát súng cảnh báo rõ ràng. Như trò xúc sắc”.

“Hầu như luôn là một hành vi nào đó của con người gây ra dịch bệnh và trong tương lai sẽ có nhiều dịch bệnh hơn, trừ khi chúng ta thay đổi”, Cunningham nói. Các chợ ở khắp nơi giết mổ sống động vật hoang dã là ví dụ rõ ràng nhất. Một chợ ở Trung Quốc được cho là nguồn khởi phát Covid-19.

“Động vật bị vận chuyển đi rất xa, lại bị nhồi nhét trong lồng. Chúng bị căng thẳng và ức chế miễn dịch nên bài tiết bất cứ mầm bệnh nào chúng có. Các chợ đều đông người và tiếp xúc rất gần với chất lỏng cơ thể của những con vật này, bạn có một tô trộn lý tưởng để [dịch bệnh]xuất hiện. Nếu bạn cần có một kịch bản để tối đa hóa cơ hội [lây truyền], tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn thế”.

Trung Quốc đã cấm các chợ như vậy và Cunningham cho rằng nên cấm vĩnh viễn. “Tuy nhiên, điều này cần phải được thực hiện trên toàn cầu. Có những khu chợ tươi sống ở khắp châu Phi cận Sahara và rất nhiều quốc gia châu Á khác”. Việc di chuyển dễ dàng trong thế giới hiện đại càng làm trầm trọng thêm những nguy hiểm: “Ngày nay, bạn có thể ở trong một khu rừng nhiệt đới Trung Phi vào hôm nay và chỉ ngày hôm sau đã ở trung tâm Luân Đôn rồi”.

Aaron Bernstein thuộc Trường Y tế công Harvard cho biết việc phá hủy các địa điểm tự nhiên khiến động vật hoang dã sống gần gũi với con người và biến đổi khí hậu cũng buộc động vật phải di chuyển: “Điều đó tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập vào vật chủ mới”.

“Chúng ta đã thấy SARS, MERS, Covid-19, HIV. Chúng ta cần xem những gì thiên nhiên đang cố nói với chúng ta ở đây. Chúng ta cần phải nhận ra rằng mình đang đùa với lửa”.

“Tách biệt chính sách y tế và môi trường là một ảo tưởng nguy hiểm. Sức khỏe của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào khí hậu và các sinh vật hữu cơ khác cùng chúng ta chia sẻ hành tinh này”.

John Scanlon, cựu Tổng thư ký Công ước CITES, cho rằng ngành buôn bán động vật hoang dã trị giá hàng tỷ đô la là một phần của vấn đề.

“Các nước nhập khẩu nên tạo ra một nghĩa vụ pháp lý mới (bao gồm cả các biện pháp trừng phạt hình sự) buộc một nhà nhập khẩu động vật hoang dã chứng minh rằng sản phẩm nhập về là hợp pháp theo luật pháp quốc gia nguồn. Nếu có thể phối hợp ăn ý chống lại tội phạm động vật hoang dã có tổ chức xuyên quốc gia, đồng thời mở ra các cơ hội mới cho cộng đồng địa phương thì chúng ta sẽ thấy đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cộng đồng phát triển mạnh”.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể mang lại cơ hội thay đổi nhưng Cunningham không tin là cơ hội này sẽ được tận dụng: “Tôi đã nghĩ mọi thứ sẽ thay

Hàng nghìn cá thể tê tê đông lạnh thu giữ trong một vụ bắt giữu của cảnh sát Indonesia. (Ảnh: Paul Hilton/WCS)

sau dịch SARS, đó là một lời cảnh tỉnh to lớn và gây ra tác động kinh tế lớn hơn bất kỳ căn bệnh mới nào cho đến khi đó”.

“Mọi người đều sôi sùng sục. Nhưng rồi căn bệnh biến mất, vì các biện pháp kiểm soát của chúng ta. Sau đó là một tiếng thở phào nhẹ nhõm và mọi thứ trở lại như bình thường. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm mãi như thế được”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: