Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị cho phép Hà Nội công bố ca bệnh Covid-19 khi có kết quả xét nghiệm để thuận lợi cho cơ sở ra quyết định cách ly với các trường hợp F1, F2 một cách kịp thời.
Sáng 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai là “ổ dịch” lớn nhất, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn TP, cũng như một số tỉnh thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 19-3, khi nắm được thông tin 2 y tá tại Bệnh viện Bạch Mai dương tính, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao đổi các thông tin liên quan với Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông Nguyễn Đức Chung đã kiến nghị xem xét phong tỏa một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và “đóng băng” bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện này.
Tuy nhiên, kiến nghị của TP Hà Nội đã không được chấp thuận. Bộ Y tế và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thống nhất quan điểm chỉ đóng băng một số tầng và khoa có bệnh nhân dương tính.
“Ngay sau ngày 19, kể ra chúng ta đóng băng đến nay thì có cơ hội vàng sẽ tốt hơn” – Chủ tịch Hà Nội bày tỏ.
Thực tế, không những bệnh nhân trong Bệnh viện Bạch Mai không bị “đóng băng” mà còn được chuyển về khắp các tỉnh thành. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại đây về các tỉnh, thành miền Bắc, trong đó TP Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Đến nay, TP Hà Nội cũng đã xác minh được toàn bộ người thân của gần 1.600 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Căn cứ thông tin bệnh nhân 170 đưa ra (vào nhà ăn của viện 5 lần), ông Nguyễn Đức Chung cũng đánh giá nhà ăn ở Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra ngoài xã hội rất cao. Bởi mỗi ngày có khoảng 600-700 người dân vào đây ăn uống, cuối tuần có khoảng 250 người. Hơn nữa, bộ phận nấu ăn tại bệnh viện mỗi ngày cũng cung cấp cho khoảng 5.000 đến 6.000 nhân viện trong bệnh viện. Khoảng 2.000 đến 3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh thành cũng vào đây ăn uống.
Một nguy cơ khác là đến từ Công ty Trường Sinh (công ty chuyên cung cấp dịch vụ trong bệnh viện Bạch Mai) với hàng chục phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 57, hàng ngày đưa phích nước cho tất cả các khoa của bệnh viện. Bộ Phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho bệnh nhân. Bộ phận nấu ăn hàng ngày cung cấp cho khoảng 5.000 đến 6000 nhân viên trong bệnh viện Bạch Mai ăn tại tòa nhà tầng 2.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong tối 28-3, Hà Nội đã đưa 613 trường hợp là người nhà của Bệnh viện Bạch Mai lên Trường Đại học FPT (Hòa Lạc) tổ chức cách ly an toàn.
TP đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Trường Sinh để có thể xác định được nơi cư trú của hơn 90 trường hợp nhân viên của công ty với quê quán ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Cơ bản tin cũng rất vui là từ hôm nay thì chỉ có 3 trường hợp về quê, còn lại cơ bản ở trong bệnh viện”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin việc Bộ Tư lệnh hóa học phun thuốc khử trùng Bệnh viện Bạch Mai tối qua (ngày 29-3) làm người dân, cũng như nhân viên trong bệnh viện yên tâm hơn.
Ngoài ra, TP Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở, đề xuất cung cấp cho Hà Nội bộ test nhanh để Hà Nội xét nghiệm nhanh trên diện rộng, ưu tiên khu vực xung quanh bệnh viện Bạch Mai.
Về thông tin các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khẳng định dương tính, vì vậy nên cho phép Hà Nội công bố, để thuận lợi cho cơ sở ra quyết định cách ly cho các trường hợp F1, F2 một cách kịp thời. Bởi như hiện nay, khi Bộ Y tế chưa công bố, nhiều người dân chưa hợp tác cách ly. Trong khi đó, nếu các ca dương tính được cách ly sớm sẽ giảm lây lan hơn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng có quyết định về 1 số lao động, nhân viên làm việc trong khách sạn, nhà hàng, phục vụ cửa hàng bán lẻ… không về quê, tạm trú tại chỗ. Tránh trường hợp có bệnh lây lan về quê.