Chặn “cầu nối” tiêu thụ động vật hoang dã để tránh dịch bệnh

Đại dịch COVID-19 nghi ngờ bắt nguồn từ một loài động vật hoang dã, nhưng đây là hậu quả của việc con người buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã một cách vô tội vạ…

Sau hơn 3 tháng xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nhà khoa học vẫn chưa có nghiên cứu nào chắc chắn về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại được các nhà khoa học nhận định là sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh tương tự do chủng virus Corona gây ra như SARS, MERS hay SARS-CoV-2 đều có liên quan đến động vật hoang dã như cầy hương, tê tê và dơi…

Vì thế, thông tin nghi ngờ dịch COVID-19 bắt nguồn từ một loài động vật hoang dã đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả Việt Nam cũng như thế giới, nhất là trước thực trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn biến phức tạp.

Một số chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của việc con người buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã một cách vô tội vạ, chứ bản thân con vật không có lỗi.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Y tế NCDs Việt Nam, dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên vào tháng 12/2019, tại một khu chợ buôn bán hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đại lục.

Tại khu chợ này có rất nhiều động vật hoang dã được bày bán, giết mổ. Sau đó dịch lây lan và cho đến bây giờ là rất khủng khiếp.

Nghiên cứu của Liên minh Y tế NCDs Việt Nam đưa ra 4 kết luận, kiến nghị. Thứ nhất, bằng chứng tin cậy là Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc khẳng định là visus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật hoang dã.

Điều thứ 2 là cần xác định rõ là không đổ lỗi cho động vật hoang dã. “Bản thân những con vật này có mang virus nhưng không truyền được mà là do con người ăn nó, giết, buôn bán, vận chuyển nó,” bác sỹ An nhấn mạnh.

Vì thế, theo bác sỹ An, điều cần làm là phải chặt đứt được cầu nối nhu cầu tiêu thụ.

Thứ ba, sức khỏe con người là quan trọng nhất. Vì thế cần thiết phải có những can thiệp cấp bách. Tiếp đến là chỉnh sửa luật, áp dụng những chế tài mạnh để thực hiện.

“Chúng ta, Luật cũng có nhiều quy định rất rõ nhưng việc thực hiện nói chung kém,” bác sỹ An nhấn mạnh.

Cuối cùng là chấm dứt hành động săn bắn, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã. Đó là việc cấp bách vì rõ ràng chúng ta nhìn thấy rồi. Kinh khủng quá.

Chim cò hoang dã bị sát hại, bày bán tràn lan tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết thời gian qua tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi; đặc biệt là hoạt động “rửa” nguồn gốc, trà trộn động vật hoang dã từ tự nhiên với động vật hoang dã gây nuôi sinh sản…

“Chúng tôi cũng thừa nhận như vậy và trình lên trên những văn bản nói thẳng như thế. Mình phải có trách nhiệm nói đúng thực tế,” ông Điển nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sắp tới sẽ triển khai Chỉ thị này và khẳng định sẽ trình Thủ tướng soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đúng hạn quy định.

“Đến nay, chúng tôi đã xin ý kiến 13 bộ, ngành trong đó có cả Tòa án, Viện kiểm sát,” ông Điển nói và cho biết các góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn sẽ tiếp tục được tiếp thu có chọn lọc nhằm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng đúng hạn (trước ngày 1/4/2020).

Trước những biến đổi nghiêm trọng của tự nhiên, tối ngày 28/3, Giờ Trái Đất 2020 tại Việt Nam đã kêu gọi tất cả mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng để giảm tác động của mình tới môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong ba lĩnh vực có ảnh hưởng tới môi trường lớn nhất. Đó là năng lượng, rác thải nhựa và động vật hoang dã.

Thông điệp chính của chương trình Giờ Trái Đất năm 2020 là “Hãy thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khoẻ mạnh.” Một trong những hành vi tiêu dùng cần thay đổi đó là không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã.

 

Mời độc giả theo dõi các bài liên quan:

Bài 1: Đường đi của những đàn chim từ rừng xanh, trời cao… lên đĩa

Bài 2: Hé lộ “khối băng chìm” ẩn sau vùng “đặc khu” bán lậu chim trời

Bài 3: Vùng “đặc khu chim trời””-Đã đến lúc cần phải xóa bỏ tận gốc

Bài 4: “Số phận của đặc khu chim trời” sau cuộc “truy quét bí mật”

Bài 5: Nghị quyết cấm buôn bán động vật hoang dã, chớ để quá muộn

Đề nghị Long An xử lý nghiêm nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép