Thái Lan: Voi mất việc vì Covid-19

Đại dịch virus corona khiến du khách vắng bóng, các công viên voi đóng cửa, còn ngành công nghiệp voi lo ngại rằng chúng có thể bị buộc phải đi khai thác gỗ bất hợp pháp hoặc bị đẩy đi hành khất ở các thành phố.

Amnuai Charornsuksombat, 36 tuổi, cho voi ăn sau khi phải trở về làng vì du khách đến thăm công viên voi ở Baan Thung Luang giảm. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Hơn một thập kỷ trước, thông thường các chủ sở hữu đưa voi vào các thành phố của Thái Lan để hành khất trên đường phố. Những con voi khác bị những giới khai thác gỗ lậu dọc biên giới với Myanmar ép đi khai thác và kéo gỗ ra khỏi rừng.

Dần dà, Thái Lan thành công trong việc giảm bớt các nghề này và cải thiện cuộc sống của voi thuần hóa. Nhưng bây giờ, virus corona lây lan khắp thế giới có thể đe dọa xóa bỏ tiến trình đó.

Khách du lịch nước ngoài giảm đột ngột đã buộc hàng tá công viên voi và các điểm du lịch voi đóng cửa khiến hơn 1.000 con voi ở Thái Lan mất việc và gây nguy hiểm cho tương lai của chúng.

Những năm gần đây, mối quan tâm chính những người ủng hộ phúc lợi động vật đưa ra về các điểm tham quan voi ở Thái Lan là tình trạng chúng bị lạm dụng để khách du lịch cưỡi.

Nhưng với nhiều chủ sở hữu, mối quan tâm cấp bách hơn là làm thế nào để có đủ thức ăn cho chúng bây giờ. Nuôi một con voi có thể tốn 40 đô la/ngày, gấp ba lần mức công nhật tối thiểu ở Thái Lan.

Theerapat Trungprakan, chủ tịch Thai Elephant Alliance Association (nhóm các đơn vị vận hành điểm tham quan voi) sợ rằng trừ khi chính phủ can thiệp, một số con voi sẽ bị buộc quay lại hành khất trên đường phố hoặc thậm chí bị ép buộc tham gia các hoạt động khai thác gỗ lậu.

“Chúng tôi không muốn vòng sinh tồn luẩn quẩn đó quay trở lại. Điều đó sẽ gây nguy hiểm cho phúc lợi của voi, chẳng hạn như để voi đi lang thang trên đường xin chuối hoặc mía”.

Đại dịch bùng phát ở Trung Quốc khiến du khách đến Thái Lan giảm đột ngột, vì cả hai nước đều hạn chế đi lại. Năm 2019, Trung Quốc đã chiếm hơn 1/4 trong số 40 triệu khách du lịch tới Thái Lan.

Du khách Brazil cưỡi voi ở Maetaeng gần Chiang Mai. Các nhà vận động quyền động vật muốn xóa bỏ mô hình này nhưng nay có một nỗi lo lớn hơn là voi không bị đói. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)
Du khách Đức cho voi ăn chuối và mía. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Vào tháng 2, tổng lượng khách du lịch đến Thái Lan giảm 44% so với năm ngoái. Du lịch còn giảm mạnh hơn trong tháng 3 do áp thêm những giới hạn mới về đi lại và hoạt động.

Du lịch là một phần rất lớn của nền kinh tế Thái Lan. Trước khi bị virus tác động, du lịch sử dụng gần 16% lực lượng lao động và chiếm hơn 20% GDP nước này.

Các điểm tham quan voi cũng không nằm ngoài vòng xoáy.

Ở miền bắc Thái Lan, 85 doanh nghiệp liên quan đến voi tạm thời ngừng hoạt động vì thiếu khách, theo Borpit Chailert, tổng giám đốc của Công viên voi Maetaeng ở phía bắc Chiang.

Công viên Maetaeng, một trong những điểm tham quan lớn của Thái Lan, vẫn mở cửa, nhưng khách đến thăm đã giảm 90%, buộc công ty phải giảm số giờ làm việc của nhân viên. Công viên đã từng đón tới tới 1.000 khách mỗi ngày. Nhưng bây giờ mỗi ngày chỉ có vài ba khách.

Nơi biểu diễn voi ở công viên giờ vắng tanh. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)
Công viên từng đón 1000 khách mỗi ngày nhưng giờ giảm xuống chỉ vài khách. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Thái Lan có khoảng 3.800 con voi thuần hóa. Thả chúng vào rừng, nơi có khoảng 3.000 con voi hoang dã sinh sống là bất hợp pháp theo luật pháp Thái Lan. Bởi ở trong rừng, voi thuần hóa sẽ cạnh tranh với voi hoang dã.

“Chúng không thể tìm được thức ăn trong rừng vì quen với việc được cho ăn. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta thả khoảng 3.000 con voi thuần hóa vào rừng cùng một lúc. Sẽ không có thức ăn để nuôi tất cả chúng”.

Voi là biểu tượng quốc gia Thái Lan. Chúng được sử dụng để khai thác gỗ cho đến năm 1989, khi Thái Lan cấm gần như tất cả các hoạt động khai thác gỗ thương mại do lo ngại nạn phá rừng.

Gần đây, nhiều con voi nuôi nhốt được đưa vào làm việc tại các điểm tham quan du lịch – thường là các khu nhỏ với khoảng trên dưới mười con – để cho du khách cưỡi. Một số địa điểm lớn hơn cũng cho cưỡi voi.

Những người vận động cho phúc lợi động vật tố rằng hoạt động huấn luyện và đối xử với voi trong các cơ sở như vậy thường mang tính lạm dụng, và kêu gọi chấm dứt sử dụng động vật trong rạp xiếc hoặc để cho khách du lịch cưỡi. Họ nói rằng tốt hơn là du khách lịch quan sát voi trong nơi trú ẩn hoặc các khu bảo tồn – hoạt động này đang trở thành một phần của ngành du lịch.

Tổ chức Friends of the Asian Elephant Foundation (FAEF) từ lâu đã thúc giục chính phủ lập một quỹ ứng phó với tình huống khẩn cấp này trong ngành du lịch.

Voi liên quan rất sâu đến văn hóa Thái Lan, chúng được tôn sùng vì sức mạnh và trường thọ. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

“Quỹ này rất quan trọng vì không có thu nhập, chủ sở hữu voi và chủ công viên sẽ lấy tiền ở đâu để mua thức ăn cho voi? Tôi rất lo lắng về tình trạng này”, đồng sáng lập kiêm tổng thư ký FAEF Soraida Salwala bày tỏ.

Ông Theerapat cho biết hầu hết voi ở các điểm tham quan tại Thái Lan là được thuê từ chủ sở hữu. Nếu các công viên trả lại voi, một số chủ sở hữu không có lựa chọn nào khác ngoài việc để chúng đi hành khất trên đường phố.

Hoặc một số con voi có thể bị buộc phải đi kéo gỗ dọc biên giới với Myanmar và Lào – nơi chúng có nguy cơ giẫm phải mìn sót lại từ các cuộc xung đột trong khu vực.

“Những con voi này phải sống trong một khu vực đầy rủi ro. Khi chúng quay về với chủ, ở một số khu vực vẫn còn hoạt động khai thác gỗ lậu. Và khi chủ sở hữu voi cạn tiền, anh ta có thể cho rằng đó là một lối thoát”, theo Theerapat.

Tuy nhiên, không phải chủ voi nào cũng vậy. Amnuai Charornsuksombat, 36 tuổi, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nuôi voi qua nhiều thế hệ là một ví dụ. Anh mới nhận lại năm con voi từ một điểm tham quan.

Gia đình anh vốn cho một công viên nhỏ (cách phía bắc Chiang Mai khoảng hai giờ lái xe) thuê voi trong 16 năm. Nhưng “đây là lần đầu tiên tôi phải đưa voi từ công viên về nhà mà không biết rõ khi chúng quay lại vì không có khách du lịch”.

Hiện giờ, tại ngôi làng hẻo lánh Baan Thung Luang, anh phải xoay sở để nuôi chúng và trả tiền cho các quản tượng (mỗi con voi một người) để chăm sóc chúng.

Một quản tượng chăm sóc voi. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Voi không còn được ăn những thức ăn quá đắt tiền như mía và chuối mà thay vào đó là cỏ mọc trên những cánh đồng gần làng hoặc thân cây ngô Amnuai mua của nông dân.

“Ai cũng đang khó khăn hết”, anh bộc bạch.

Nhưng dù khó khăn đến đâu, Amnuai cho biết sẽ không bao giờ có chuyện bắt voi đi ăn xin.

“Với chúng tôi, voi là thành viên trong gia đình. Chúng không phải là thú cưng. Để chúng phải đi hành khất là điều ô nhục. Chúng cũng là gia đình, vì vậy chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua điều này. Gia đình chăm sóc lẫn nhau”.

Nhật Anh (Theo New York Times)

Nguồn: