Siết chặt việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Ngày 27/3, Báo NNVN và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Tọa đàm về ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã.

Tọa đàm trực tuyến về ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã được tổ chức tại Báo Nông nghiệp Việt Nam vào sáng 27/3. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm chia sẻ: Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gene, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm và đặc hữu.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề trên, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

Đặc biệt khung hình phạt tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã  nguy cấp, quy hiếm có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 15 tỷ đồng. Những thay đổi theo hướng tăng nặng mức hình phạt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến ngày 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức  năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; xử lý hình sự 41 vụ với 38 bị can, đã xét xử 27 vụ với 27 bị cáo, mức án cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam; xử lý hành chính 519 vụ.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Quốc Hiệu thừa nhận: Tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là hoạt động rửa nguồn gốc, trà trộn động vật hoang dã từ tự nhiên với động vật hoang dã gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán.

Luật sư Đặng Đình Bách, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững, cho rằng: Khung pháp luật để quản lý, xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên cần hoàn thiện thêm để quản lý việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã hiệu quả hơn nữa.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở góc độ khác, bác sỹ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, chia sẻ: Đại dịch Covid-19 hiện nay do virus Corona chủng mới có nguồn gốc từ động vật hoang dã đang tàn phá toàn cầu. Những người mắc bệnh viêm phổi cấp nguy hiểm này đã tiếp xúc với những người buôn bán làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam (tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc), nơi đây buôn bán và giết mổ động vật hoang dã sống.

Ở nước ta đến nay cũng đã có nhiều người bị chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã. Do đó, bác sĩ An khẳng định: “Chính phủ cần phải mạnh tay hành động hơn nữa để ngăn chặn nạn săn bắt, giết mổ và sử dụng động vật hoang dã”.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng – Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng – Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE Việt Nam), cho rằng: “Nếu không ngăn chặn được thói quen sử dụng động vật hoang dã, thì dù khung pháp lý có chặt chẽ đến đâu cũng rất khó thực hiện”.

Nếu lên Youtube, có thể dễ dàng tiếp cận các video quảng cáo, bán nanh hổ và ngà voi. Hay trên không gian mạng, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm thông sữa bằng vảy tê tê, hay tác dụng của cao hổ…

GS. TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến về ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Ảnh: Tùng Đinh.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Ông Phạm Văn Điển, cho biết Tổng cục Lâm nghiệp đã và đang xây hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về vấn đề này. “Chúng tôi đã xin ý kiến 13 bộ, ngành trong đó có cả Tòa án, Viện kiểm sát”, ông Điển cho hay.

Những ý góp ý trong tham luận tọa đàm sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị để Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng đúng hạn (trước ngày 1/4/2020).