Nano Life đã tìm ra phương pháp sản xuất Graphene với giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần.
Xuất hiện từ giải Nobel Vật lý năm 2010, graphene đã nhanh chóng được coi là “vật liệu của tương lai” cho các thiết bị điện tử, xây dựng, với những đặc tính như cực nhẹ, mỏng hơn 60.000 lần so với túi bọc thực phẩm và độ bền hơn thép hơn 200 lần. Tuy nhiên, chi phí làm ra vật liệu này lại cao, khiến nhiều nhà sản xuất chùn bước. Nhằm đưa được “vật liệu của tương lai” đến được với nhiều doanh nghiệp, anh Lê Minh Tuấn quyết định sáng lập startup nghiên cứu Nano Life và đưa ra phương pháp sản xuất với giá thấp hơn nhiều.
7 năm nghiên cứu
Xuất phát là một sinh viên khoa Công nghệ nano, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, Minh Tuấn đã tìm ra phương pháp bóc tách vật liệu graphene từ một nguồn nguyên liệu rất rẻ: mỡ động vật tái chế. Không ai nghĩ anh lại đi tìm cách bóc tách chất nền mới, quá khác so với hai nhà vật lý đã được trao giải Nobel khi khám phá ra chất liệu graphene này. Minh Tuấn cho biết: “Graphene gốc là than chì, nguyên liệu cơ bản của nó quá đắt với nhóm nên chúng tôi phải mày mò để tìm ra nguyên liệu thay thế là mỡ động vật. Nói ra thì đơn giản nhưng phải mất cả nhiều năm mới tìm ra được với biết bao hao tổn về tâm trí, sức khỏe lẫn vật chất để tìm ra nguyên liệu thay thế này. Nó vừa tiết kiệm cho nguồn cung cấp của chúng tôi, mặt khác xã hội sẽ đỡ nguồn kinh phí để xử lý, tái chế, vừa giảm phát thải chất độc hại ra môi trường”.
Sau 7 năm nghiên cứu từ năm 2010, chi phí sản xuất graphene của Nano Life rất rẻ, chỉ khoảng 0,1 USD/gram. Minh Tuấn hy vọng các doanh nghiệp nhỏ trong nước cũng có thể áp dụng “vật liệu của tương lai” vào sản phẩm của mình. Với nhiều đặc tính rất lớn như cực nhẹ, mỏng và bền hơn thép gấp 200 lần, Minh Tuấn chia sẻ: “Graphene gần như có thể áp dụng vào tất cả ngành nghề sản xuất hiện nay, từ sơn, xi măng để làm tăng độ bền cho nhà, cho tới nhưng thiết bị điện tử, màn hình điện thoại. Mới đây, Samsung có cho ra mắt chiếc điện thoại màn hình gập nhưng nếu áp dụng Graphene, màn hình còn có thể uốn cong và mỏng hơn rất nhiều”.
Thành quả thuyết phục
Graphene cũng là một vật liệu vượt xa tất cả vật liệu nano hiện nay và chắc chắn không thể thiếu trong việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị kỹ thuật số như chip vi xử lý và sản phẩm phụ trợ. Trên thế giới, các hãng điện tử hàng đầu như Apple, IBM cũng đang chạy đua nghiên cứu về loại vật liệu mới này. Từ năm 2003, khi graphene được phân tách thành công cho tới nay, đã có hơn 5.000 sáng chế liên quan đến vật liệu này. Năm 2014, các nhà khoa học tại Đại học Rice của Mỹ đã phát hiện graphene trộn lẫn vanadi oxit có thể tạo ra cực âm pin với khả năng sạc tới 90% dung lượng chỉ trong 20 giây. Thậm chí sau 1.000 chu kỳ sử dụng, khả năng sạc của pin vẫn được giữ nguyên. Trước sự phổ biến của smartphone với 1,51 tỉ chiếc được bán ra trong năm 2019, việc sản xuất graphene giá rẻ có thể mở ra thị trường trị giá hàng tỈ USD.
Ngay từ vòng tăng tốc của Startup, Nano Life của Tuấn đã nhận được khoản đầu tư tới 50.000USD từ Quỹ đầu tư ThinkZone. Sản phẩm của Minh Tuấn cũng được đánh giá cao và thuyết phục được Ban Giám khảo của Vietnam Startup Wheel 2018 và vượt qua 1.500 đối thủ để đạt giải thưởng “Ý tưởng sáng tạo nhất”.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo, thành viên Ban Giám khảo nhận định: “Đây là sản phẩm rất khó, đòi hỏi công nghệ cao mà ngay cả trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Nếu sản phẩm này có thể thực sự sản xuất ở Việt Nam thì sẽ là bước đột phá rất lớn”.
Tới nay, công thức sản xuất graphene của Nano Life đã hoàn thiện và được kiểm tra tại một số phòng thí nghiệm trong nước và tại Nhật. Hiện có 97 doanh nghiệp và phòng nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã bắt đầu đặt mua sản phẩm của Lê Minh Tuấn và dự kiến có thể sản xuất 1 tấn graphene mỗi tháng ngay trong năm đầu sản xuất. Nano Life cũng đang đăng ký sáng chế tại Mỹ và sẽ tập trung phát triển ở thị trường này.