TP.HCM đã và sẽ ban hành một loạt quy định để kiểm soát tình hình dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Nhiều giải pháp đã được lãnh đạo TP.HCM đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chiều 26-3, nhằm kiểm soát tình hình lây lan dịch và ổn định tâm lý người dân.
Giảm nửa thu nhập tăng thêm của công chức
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, không có thu nhập để trả lương, ảnh hưởng rất lớn đến người lao động. Do đó, hôm 25-3, Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất các cán bộ, công chức sẽ giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay, dành phần đó hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, không có thu nhập để nuôi bản thân mình và nuôi con.
“Có 600.000 lao động của TP mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch. Ước tính nếu lấy một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức sẽ đủ hỗ trợ 600.000 người lao động với mức 1 triệu đồng/tháng” – ông Nhân nói.
“Trong lúc khó khăn, mỗi người hãy sống tiết kiệm, giản đơn hơn để chia sẻ cùng những người khác đỡ phải lâm vào cảnh cơ cực” – ông Nhân kêu gọi.
Trước đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đề cập đến việc Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động nghỉ việc ở nhà chăm con trong dịch COVID-19. Ông cho rằng đây là điểm TP.HCM cần suy nghĩ trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. “TP cần bàn đến việc này, người lao động không có lương trong hai tuần, bốn tuần thì sống thế nào. Doanh nghiệp không thể trả hết lương khi nhân viên không làm việc, nhiều người còn chưa đăng ký bảo hiểm thất nghiệp” – ông Nhân nói.
Liên quan đến việc này, chiều nay (27-3), UBND TP sẽ có văn bản trình HĐND TP để thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
Nhân viên y tế không được rời TP từ 18 giờ ngày 26-3
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM đã và sẽ ban hành một loạt quy định để kiểm soát tình hình dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ngay trong chiều 26-3, UBND TP đã ban hành quy định chế tài đối với các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và giao Sở Y tế chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế không được rời TP.HCM kể từ 18 giờ ngày 26-3 để sẵn sàng chờ lệnh điều động chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị Sở Y tế TP triển khai xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. TP cũng đồng ý chủ trương cho Sở Y tế chỉ định thầu, nâng cấp đầu tư mới các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn TP trước ngày 31-3 với công suất đảm bảo xét nghiệm 5.000 mẫu nghi ngờ nhiễm bệnh chỉ trong một ngày. “Đây là kỳ vọng và mong mỏi của 13 triệu người dân TP” – ông Phong nói.
Các quận, huyện cung cấp địa chỉ đáng tin cậy cho người dân mua khẩu trang, nước sát khuẩn, mạnh tay với tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh gom hàng trục lợi.
Tạm dừng xe công nghệ, chở khách liên tỉnh
Đáng chú ý, UBND TP quy định tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, kể cả dịch vụ đặt xe công nghệ, xe chuyển khách liên tỉnh, trừ xe vận chuyển hàng hóa, xe làm nhiệm vụ y tế, chống dịch và xe làm nhiệm vụ công cộng kể từ 18 giờ ngày 27-3. Quy định này sẽ áp dụng trong vòng 15 ngày.
Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT có tờ trình cụ thể tạm dừng tuyến xe buýt nào, để lại tuyến nào còn hoạt động trong hai tuần tới. Ngoài ra, ông Phong cũng giao Sở GTVT tham mưu văn bản để TP kiến nghị Chính phủ hạn chế chuyến bay quốc nội đến TP.HCM; tham mưu văn bản kiến nghị Bộ GTVT có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường sắt vào TP.HCM để báo cáo.
Cuối cùng, ông Phong đề nghị trong hai tuần tới, người dân hãy hạn chế ra đường nếu không có việc gì thực sự cần thiết. “Mong rằng mọi người cùng chia sẻ, chấp nhận khó khăn trước mắt để chúng ta đảm bảo sự an toàn, sức khỏe của cộng đồng, trong đó có mọi người và gia đình của mỗi người” – ông Phong kêu gọi.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến hai giải pháp hiệu quả chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng là đeo khẩu trang và hạn chế đi lại. Theo ông, chính vì thời gian đầu không coi trọng việc đeo khẩu trang mà các nước châu Âu phải hứng hậu quả lớn.
Ông Nhân cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan phải làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP làm rõ việc có nên sản xuất trong hai tuần tới hay không để hạn chế tập trung đông người. “Ngành sản xuất lương thực, thực phẩm đương nhiên phải sản xuất nhưng còn các ngành khác phải cân nhắc” – ông Nhân nói. |