Theo Science Alert, nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 được kết hợp từ hai loại virus khác nhau. Dơi và tê tê được cho không phải là vật chủ lây nhiễm.
Những tuần qua, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã giải mã được nhiều sự thật về dịch bệnh Covid-19 và loại virus gây ra nó, SARS-CoV-2.
Tuy có rất nhiều tin đồn và các báo cáo khoa học được xác thực nhưng vẫn còn nhiều thứ về căn bệnh này chưa được giải đáp. Trong đó, câu hỏi loài động vật nào đã lây virus SARS-CoV-2 sang người? Một con dơi, tê tê hay một con vật nào khác? Căn bệnh này đến từ đâu? Từ khu chợ lâm sản ở Hồ Bắc hay từ một hang động?
Những câu hỏi trên vẫn đang thách thức giới khoa học vì chưa có bằng chứng nào được công nhận.
Theo Science Alert, nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 được kết hợp từ hai loại virus khác nhau. Dơi và tê tê được cho không phải là vật chủ lây nhiễm. Tuy vậy, con vật thật sự mang mầm bệnh Covid-19 vẫn chưa được tìm ra.
Tháng 12/2019, 27 trong số 41 người nhiễm Covid-19 đầu tiên cho biết họ đã đi qua khu chợ trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhưng theo một nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Vũ Hán, người đầu tiên mắc Covid-19 lại không thường xuyên đi qua khu chợ này.
Thay vào đó, một ước tính tuổi sự kiện tiến hóa dựa trên bộ gen của SARS-CoV-2 chỉ ra rằng loại virus này có từ tháng 11/2019. Điều này đặt ra nghi vấn việc virus Covid-19 có liên quan đến động vật hoang dã.
Dữ liệu gen bộ gen SARS-CoV-2 nhanh chóng được các nhà nghiên cứu Trung Quốc giải mã.
Nó là một phân tử RNA gồm khoảng 30.000 cặp gốc chứa 15 gen, bao gồm gen S mã hóa cho một protein nằm trên bề mặt của vỏ virus.
Các phân tích gen chỉ ra rằng SARS-CoV-2 thuộc nhóm Betacoronaviruses. Nó rất gần với SARS-CoV, loại virus gây ra dịch bệnh viêm phổi cấp tính tháng 11/2002 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và sau đó lan sang 29 quốc gia trong năm 2003.
Trước đây, đại dịch SARS đã khiến 8.098 người nhiễm, trong đó có 774 trường hợp tử vong. Dơi thuộc chi Rhinolophus là đơn vị ký sinh của loại virus này. Bên cạnh đó, cầy hương, một loài thú ăn thịt nhỏ được cho là trung gian lây bệnh sang người đầu tiên.
Kể từ đó, nhiều loại Betacoronavirus đã được phát hiện, chủ yếu ở dơi, số khác ở người.
Trong đó có RaTG13, loại virus biến thể từ một con dơi thuộc loài Rhinolophus affinis tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Gần đây, các nhà khoa học nhận ra loại virus trên con vật này có trình tự bộ mã gen giống 96% với SARS-CoV-2.
Như vậy, những kết quả nghiên cứu trên chỉ ra rằng các loài dơi thuộc chi Rhinolophus đã trở thành vật chủ có thể chứa virus SARS-CoV và SARS-CoV-2.
Ngày 7/2, các nhà khoa học phát hiện ra SARS-CoV-2 thậm chí còn có quan hệ gần gũi với virus trên tê tê hơn các loài trong những nghiên cứu trước đây. Bộ gen của chúng giống nhau đến 99%. Điều này cho thấy tê tê có thể là vật chủ lây nhiễm lý tưởng hơn dơi. Tuy vậy, một nghiên cứu mới lại cho thấy bộ gen của virus corona phân lập từ tê tê Malaysia chỉ giống SARS-CoV-2 90%. Như vậy, sự phân lập virus trên tê tê không phải nguyên nhân gây ra Covid-19.
Tuy nhiên, virus corona phân lập từ tê tê lại giống 99% ở vùng protein S cho phép lây trực tiếp sang người. Ngược lại, virus RaTG13 phân lập từ dơi lại không có khả năng lây sang người.
Ngoài ra, những so sánh về bộ gen này cho thấy virus SARS-Cov-2 là kết quả của sự tái kết hợp giữa hai loại virus khác nhau, một loại gần với RaTG13 và loại khác gần với virus trên tê tê.
Nói cách khác, SARS-CoV-2 là sự kết hợp của hai loại virus có trên dơi và tê tê.
Điều quan trọng lúc này là tìm ra loài vật chủ mới có khả năng mang virus SARS-CoV-2 được kết hợp từ hai loài trên. Và hơn hết, các nhà khoa học cần biết môi trường thúc đẩy sự kết hợp tạo ra virus gây bệnh Covid-19.