Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch Covid-19 đang đe dọa đến toàn nhân loại, đồng thời công bố một kế hoạch hỗ trợ nhân đạo với lời kêu gọi ủng hộ hơn 2 tỷ USD cho những nước kém phát triển nhất thế giới. Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu do Covid-19 dự kiến được triển khai từ tháng 4 tới.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tính đến 6h ngày 26-3, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 467.520 người, số ca tử vong là 21.145 người.
Châu Âu
Italia tiếp tục là nước có số ca Covid-19 tử vong cao nhất thế giới. Nước này đã ghi nhận 74.386 ca mắc bệnh, trong đó 7.503 người tử vong. Tuy nhiên, số ca tử vong đã giảm ngày thứ hai liên tiếp, số ca bệnh mới cũng giảm ngày thứ 4 liên tiếp. Số bệnh nhân hồi phục tăng lên 9.362 người. Ngày 25-3, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Italia, ông Ranieri Guera cho biết, dịch Covid-19 tại quốc gia Nam Âu có thể sẽ đạt đỉnh trong tuần này, sau đó sẽ giảm dần.
Sân bay thành phố London (Anh) thông báo đóng cửa, đình chỉ toàn bộ các chuyến bay thương mại và tư nhân từ tối 25-3 cho đến hết tháng 4 sau khi Chính phủ Anh yêu cầu người dân ở trong nhà và ngừng mọi hoạt động di chuyển. Chỉ sau chưa đầy một ngày huy động, đã có hơn nửa triệu người Anh đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cao gấp đôi mục tiêu đặt ra ban đầu của Chính phủ Anh. Tính đến nay, nước Anh ghi nhận 9.529 ca mắc Covid-19 với 465 ca tử vong.
Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD).
Tại Pháp, chính quyền thủ đô Paris thông báo giảm các dịch vụ tàu điện ngầm và đường sắt ở thành phố này cùng các vùng phụ cận xuống mức tối thiểu, trong khuôn khổ lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Theo đó, kể từ hôm nay (26-3), khoảng 50 trong tổng số 300 nhà ga điện ngầm sẽ phải đóng cửa; các dịch vụ trên toàn mạng lưới tàu điện ngầm cũng như các tuyến vành đai phục vụ các khu vực phụ cận sẽ chỉ hoạt động từ 6h tới 22h mỗi ngày.
Ngày 25-3, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, nước này đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 432 triệu euro (467 triệu USD) với Trung Quốc để mua các trang thiết bị y tế nhằm đối phó với dịch Covid-19. Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh số người tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha đã lên tới 3.647 người, cao hơn cả số bệnh nhân tử vong tại Trung Quốc đại lục.
Tối 25-3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu gửi người dân cả nước đề cập tới hành động của Chính phủ Nga trước sự bùng phát của dịch Covid-19. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống V.Putin cho biết, Nga sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu toàn quốc về Dự luật sửa đổi Hiến pháp, đồng thời, người dân sẽ được nghỉ việc có trả lương trong tuần tới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Các nghị sĩ Nga đã đề xuất phạt nặng đối với những người vi phạm quy định cách ly phòng, chống dịch Covid-19.
Châu Mỹ
Hạ viện Canada ngày 25-3 (giờ địa phương) đã thông qua gói cứu trợ trị giá 82 tỷ CAD (trên 56 tỷ USD) nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Châu Á
Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 25-3 cảnh báo nước này có thể đối mặt với một làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 vì nhiều người dân phớt lờ những chỉ dẫn mà giới chức y tế ban hành nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay, Iran đã ghi nhận tổng cộng 27.017 ca mắc bệnh và 2.077 ca tử vong.
Chiều 25-3, chính quyền Israel đã chính thức áp dụng lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc nhằm đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19. Đến thời điểm này, hầu hết các nhà hàng, quán xá ở Israel đã ngừng hoạt động. Người nào vi phạm sẽ bị phạt 5.000 NIS, tương đương 1.388 USD và phạt tù tới 6 tháng.
Ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa toàn bộ thế giới vào danh sách cảnh báo cấp độ 2 trong thang cảnh báo 3 mức của nước này trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây lan tới hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ. Cảnh báo cấp độ 2 tương ứng với mức độ kêu gọi công dân Nhật Bản hủy bỏ các chuyến đi nước ngoài trong trường hợp không cần thiết.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 25-3 cho biết, ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tái khẳng định sự hợp tác trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Ông Motegi đưa ra tuyên bố trên trong một phát biểu với báo giới sau hội nghị trực tuyến với những người đồng cấp G7.
Tại Thái Lan, tất cả người nước ngoài đều không được phép nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc có hiệu lực từ nửa đêm 25-3 đến ngày 30-4 tới. Người Thái Lan mắc kẹt ở nước ngoài vẫn sẽ được phép về nước.
Tình hình ở Indonesia diễn biến xấu hơn khi nước này có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á với 58 trường hợp trong tổng số 790 ca nhiễm bệnh.
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã tuyên bố hủy tất cả các hội nghị quốc tế ở nước này, đồng thời yêu cầu các quan chức dừng tham dự các cuộc gặp và hội nghị ở nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thủ tướng Hun Sen cũng đang xem xét lùi thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu sang năm 2021.
Bộ Y tế Lào chiều 25-3 thông báo ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19. Như vậy, Lào đã có 3 ca nhiễm bệnh, sau khi phát hiện 2 ca đầu tiên ngày 24-3.