Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng covid-19 bắt nguồn từ virus corona chủng mới có trong động vật hoang dã. Đây không phải là một phát hiện bất ngờ bởi từ xa xưa, việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh đã rất phổ biến, thậm chí ăn sâu vào tiềm thức và trở thành niềm tin văn hóa tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Á Đông như Trung Quốc.
Yếu tố văn hóa, cụ thể là niềm tin truyền thống của người dân về sức mạnh của một số loại thực phẩm đã khuyến khích nhiều thói quen nguy hiểm. Ở Trung Quốc, khía cạnh của văn hóa ăn uống còn được gọi là “jinbu” (tẩm bổ, bồi bổ) với ý nghĩa lấp đầy dạ dày, tức chữa bệnh bằng thực phẩm tốt hơn bằng thuốc. Một số thói quen tẩm bổ mang tính văn hóa dân gian hoặc bí truyền nhưng ngay cả những người không tin lắm vào sự tẩm bổ thì quan niệm này cũng rất phổ biến.
Lý thuyết chữa bệnh bằng thực phẩm tốt hơn bằng thuốc cho rằng bệnh tật là kết quả khi cơ thể cạn kiệt máu và năng lượng – ở đây không xét máu và năng lượng dưới góc nhìn sinh học và vật lý mà là mộtphạm trù thần bí. Với đàn ông, điều quan trọng nhất là lấp đầy khoảng trống năng lượng, có liên quan đến khả năng sinh dục; với phụ nữ là sự thay máu, giúp cải thiện sắc đẹp và khả năng sinh sản. Thực vật và động vật quý hiếm từ tự nhiên được cho là sự bổ sung tốt nhất, đặc biệt là khi ăn tươi sống. Mùa đông được cho là mùa mà cơ thể cần nhiều thực phẩm “tẩm bổ”.
Những người có niềm tin sắt đá vào “tẩm bổ” dường như cũng tin vào khái niệm ăn gì bổ nấy (dĩ hình bổ hình), trong đó “hình” đôi khi gắn với các bộ phận và chức năng cơ thể người. Đơn cử, rắn và dương vật của bò hoặc ngựa – theo lý thuyết tốt cho đàn ông – được bán tại các nhà hàng ở nhiều thành phố miền nam Trung Quốc. Dơi – bị coi là nguồn gốc của virus corona cả chủng hiện tại và virus SARS – được cho là tốt cho việc phục hồi thị lực, đặc biệt là phân hạt của nó, còn được gọi là “dạ minh sa”. Túi mật và mật chích hút từ gấu sống thì dùng để chữa bệnh vàng da; hổ cốt để cường dương hoặc cầy vòi – loài động vật hoang dã bốn chân cỡ nhỏ, bị nghi ngờ đã truyền virut SARS cho người – khi hầm với thịt rắn được cho là có thể chữa chứng mất ngủ.
Những người ít tiền hơn có thể dùng thịt chó, nhất là cá thể chó bị rượt đuổi trước khi giết thịt vì một số người tin rằng lợi ích của “tẩm bổ” sẽ nhiều hơn khi ăn thịt tươi sống. Đây cũng là lý do khiến nhiều động vật độc, lạ ở các khu chợ có xu hướng bị bán sống và điều này cũng khiến chúng có tiềm năng trở thành vật chủ trung gian cho bất kỳ loại virus nào có thể mang.
Ăn động vật hoang dã độc, lạ từ lâu đã được các tài liệu y học đề cập và ngày nay vẫn được nhiều người Trung Quốc tôn sùng, thậm chí niềm tin về lợi ích sức khỏe từ một số loại thực phẩm động vật hoang dã thấm nhuần thành yếu tố văn hóa. Nhưng không phải chỉ duy nhất người Trung Quốc tin vào điều này, nhiều dân tộc ở các quốc gia khác cũng ăn thực phẩm kỳ lạ. Điều đáng nói là niềm tin thái quá được chấp nhận ngay cả với những người không ăn trong thực tế. Và không quá khi nói rằng sự bùng phát Covid-19 đã và đang được tiếp sức bởi thực tiễn văn hóa ăn thịt động vật hoang dã mà Trung Quốc là quốc gia điển hình.
Nhật Anh (Lược dịch từ New York Times)