Hà Nội chuẩn bị những gì để đón 20.000 người về từ nước ngoài?

Sắp đối mặt với 2 tuần đầy cam go, Hà Nội đã chuẩn bị chỗ cách ly tập trung cho 21.000 người. Nếu tình huống xấu xảy ra, 41 bệnh viện toàn thành phố sẽ tham gia chống dịch.

Trong 2 tuần tới, Hà Nội sẽ tiếp nhận 20.000 người về từ nước ngoài. Từ cửa khẩu sân bay Nội Bài, số này sẽ được phân luồng, đưa thẳng về cơ sở cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm.

Với 15 khu cách ly sẵn có và 6 khu vừa khảo sát, Hà Nội đã sẵn sàng đón tiếp, cách ly với toàn bộ công dân về nước trong giai đoạn cao điểm này.

Mở thêm điểm cách ly tập trung

Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Đỗ Thái Sơn cho biết đơn vị vừa khảo sát 8 khu vực làm địa điểm cách ly tập trung. 6 khu vực này trong số này đảm bảo điều kiện cách ly, có thể tiếp nhận 6.100 người.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh thủ đô đã chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu cách ly ở Tứ Hiệp – Pháp Vân (quận Hoàng Mai) và Khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) để đáp ứng cho gần 13.000 người.

“Các cơ sở của đơn vị quân đội đang được trang bị, mở rộng thêm, có thể tiếp nhận được 4.544 giường. Như vậy, tổng cộng Hà Nội đã đã đủ chỗ cách ly cho khoảng 21.000 người về từ nước ngoài”, ông Sơn cho hay.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, ngoài khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp và khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, TP đã bố trí một số khu cách ly tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (800 chỗ), Trường Trung cấp nghề số 18 (huyện Thanh Trì với 500 chỗ) và ký túc xá Đại học FPT (huyện Thạch Thất có quy mô 2.000 chỗ).

Hà Nội đã thành lập nhiều khu cách ly tập trung có thể tiếp nhận khoảng 21.000 người. (Ảnh: Duy Hiệu).

Ngoài 6 cơ sở mới khảo sát, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 15 khu các ly (9 khu của quân đội, 1 khu của bệnh viện công an TP và 5 khu dân sự) với trên 14.600 chỗ.

Riêng Khách sạn Hòa Bình (quận Hoàn Kiếm) được lập thành khu cách ly tự nguyện dành cho 80 người. Nơi đây dành riêng cho người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao. Chi phí ăn, ở sẽ do người cách ly chi trả.

Về vật tư, thiết bị phục vụ xét nghiệm, Sở Y tế Hà Nội cho biết TP đang vận hành 4 máy xét nghiệm Covid-19. Những ngày tới, địa phương sẽ tiếp nhận thêm 8 máy và đề xuất mua thêm 200.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm để đáp ứng cho nhu cầu xét nghiệm nhanh.

Lên phương án điều trị cho 1.000 người

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định đầu tháng 4 là giai đoạn cao điểm của dịch nên cần tập trung mọi nguồn lực, để phát hiện dịch bệnh, quản lý tốt các khu cách ly tập trung và cơ sở y tế, không để lây nhiễm chéo.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn tiệm cận và gắn với các quyết định chiến thắng hay thua cuộc. Nếu khoanh vùng tốt, phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, chữa bệnh thành công thì ta chiến thắng. Còn để lây nhiễm ra cộng đồng là thua, bởi dịch này lây nhiễm theo cấp lũy thừa”.

Hà Nội có thể đón 20.000 công dân về nước trong 2 tuần tới. (Ảnh: Duy Hiệu).

Về các cơ sở điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19, Chủ tịch Hà Nội cho hay TP đã lên phương án đảm bảo đủ chữa trị cho 1.000 người mắc. Ngoài ra, thành phố đã lên 2 phương án, trong trường hợp cần thiết có thể huy động toàn bộ 41 bệnh viện gồm cả bệnh viện tư nhân, quốc tế cùng tham gia chữa trị.

“Tôi đã bàn kỹ với Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, riêng cơ sở 2 có thể tải được 1.000 bệnh nhân dương tính”, ông Chung nói và cho biết khi bệnh viện này hết khả năng thu dung, mới tính đến điều trị tại bệnh viện dã chiến tại huyện Mê Linh.

Tính đến 11h ngày 25/3, Việt Nam ghi nhận 134 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 17 trường hợp đã hồi phục và xuất viện. Hà Nội hiện là địa phương có nhiều nhất ca mắc Covid-19 với 43 trường hợp và cũng là địa phương đầu tiên có 2 nhân viên y tế bị nhiễm.
Nguồn: