Doanh nghiệp “quên” hoàn thổ sau khai thác

Theo quy định, sau khi hoàn thành, hết hạn khai khoáng, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường đưa mỏ trở lại trạng thái an toàn, nhưng thực tế hiện nay tại Nghệ An, công tác này còn nhiều bất cập.

Hoàn thổ kiểu đối phó?

Tỉnh Nghệ An có hàng trăm dự án khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, một số dự án tuy hết thời hạn nhưng việc hoàn thổ chưa được triển khai nghiêm túc hoặc chưa đạt yêu cầu.

Mỏ đá lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai được cấp phép khai thác đá cho Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Xuân Quỳnh. Đến cuối năm 2016, Công ty TNHH Xuân Quỳnh đã hết thời hạn được cấp phép khai thác và chấm dứt việc khai thác.

Còn 2 công ty sau đó vẫn khai thác là Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng. Tuy vậy, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đã phát hiện hai đơn vị này có nhiều sai phạm. Cụ thể, qua số liệu đo đạc của đơn vị tư vấn thiết kế, một số điểm các công ty đã khai thác vượt quá độ sâu giới hạn cho phép, khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép.

Mỏ đá Lèn Chùa sau khi doanh nghiệp khai thác xong là một hồ nước khổng lồ, sâu hoắm nhưng chỉ được rào sơ sài và cắm biển cảnh báo nguy hiểm

Trong đó, Công ty TNHH Xuân Hùng khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép so với cốt 0 là 17,8m (từ mặt đất đào sâu xuống 17,8m để lấy đá – PV); diện tích khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép là 5.500 m2. Công ty TNHH Thanh Xuân khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép so với cốt 0 là 11,8 m; diện tích khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép là 3.700m2.

Từ những sai phạm trên, tháng 2/2017, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản”. Số tiền mỗi công ty bị UBND tỉnh xử phạt lên đến 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu, nhưng các doanh nghiệp không thực hiện.Đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ Ancó quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyền khai thác khoáng sản tại mỏ Lèn Chùa của tất cả các Doanh nghiệp nói trên.

Ngày 6/11/2018, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phê duyệt đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa của Công ty TNHH Xuân Hùng. Với quyết định này, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thổ đất để lấp bằng khu mỏ, UBND tỉnh Nghệ An lại cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ…

Sau đó, ngày 20/11/2018 cũng ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung Dự án đầu tư khai thác đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa cho Công ty TNHH Thanh Xuân với những nội dung yêu cầu doanh nghiệp làm những công việc khá đơn giản giống với Công ty TNHH Xuân Hùng. Đặc biệt, cũng cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ….

Diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Xuân Hùng là 3,43ha; diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Thanh Xuân là 4,14ha; thời gian thi công mà UBND tỉnh Nghệ An cho phép 2 đơn vị nêu trên thực hiện là 2 tháng kể từ ngày ký quyết định, kinh phí thực hiện do doanh nghiệp tự chi trả.

Mới đây, ngày 6/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 647/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ đá xây dựng với diện tích 3,43ha tại Lèn Chùa cho Công ty TNHH Xuân Hùng giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ. Tuy vậy, điều mà dư luận quan tâm là cách cải tạo phục hồi môi trường “không giống ai”, quá sơ sài, chưa thể đem lại trạng thái an toàn… đã gây băn khoăn, lo lắng, thậm chí, phản ứng của người dân địa phương.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”?

Tại xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) có 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản sắt gồm Công ty CP Lâm Lệ Phong, Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn 171, Công ty TNHH Ngọc Sáng, Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung; ngoài ra, xã Quang Phong có Công ty CP XNK Tân Hồng khai thác quặng vàng.

Cụ thể, khu vực cấp phép cho các đơn vị Công ty CP Lâm Lệ Phong (khu vực bản Tà Pan, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 19,1 ha, hết hạn ngày 16/2/2014); Công ty Đầu tư XD và Phát triển nông thôn 171 (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 52,09 ha, hết hạn ngày 11/11/2015); Công ty TNHH Ngọc Sáng (xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 10,3 ha, hết hạn ngày 22/12/2015); Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp Miền Trung (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 30 ha, hết hạn từ ngày 25/6/2016). Khi đó các đơn vị nêu trên đều để lại hiện trường các moong khai thác lớn, sâu, nằm ở vị trí lưng chừng sườn núi, bên cạnh đó, có một số hố chứa bùn thứ cấp, bãi đất đá thải, quặng nguyên khai…

Chính quyền từng phải rất vất vả để xử lý “bãi chiến trường” của các mỏ khai thác quặng sắt ở Tri Lễ (huyện Quế Phong) khi các doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”

Thời điểm đó, tuy giấy phép khai thác của các doanh nghiệp này đã hết hạn từ lâu nhưng họ chưa tiến hành cải tạo phục hồi môi trường cũng để đóng cửa mỏ. UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Quế Phong đã đôn đốc thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường nhưng các doanh nghiệp không chấp hành. Cực chẳng đã, các ngành chức năng đành phải tự lên phương án, thuê doanh nghiệp khác tiến hành công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Ngặt nỗi, số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp nêu trên số thì còn nợ, số đã nộp lại không đủ để chi phí cho công việc nêu trên nên chính quyền đành phải “bù lỗ” bằng nguồn khác để… cho xong việc.

Cũng tại huyện Quế Phong, cơ quan chức năng phải “ôm” thêm 2 điểm mỏ khai thác vàng đã cấp cho Công ty CP XNK Tân Hồng khi 2 điểm mỏ này lần lượt hết hạn vào tháng 10/2015 và tháng 3/2016 nhưng doanh nghiệp nêu trên đã “bỏ chạy”. Vì thế, chính quyền phải thuê một doanh nghiệp địa phương thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Điều đáng nói là tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty CP XNK Tân Hồng cho 2 điểm mỏ này là hơn 1,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng được vẻn vẹn 230 triệu. Vì thế, chính quyền phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để giải quyết “hậu quả”.

Còn khu vực Rú Bùi, xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) được UBND tỉnh Nghệ An cho 2 công ty khai thác đất san lấp từ tháng 4/2016 để phục vụ Dự án khôi phục vùng ngập lũ tỉnh Nghệ An thuộc các xã vùng Năm Nam, huyện Nam Đàn. Việc khai thác đến ngày 31/12/2017 là hết hạn. Tuy vậy, đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định vẫn chưa được triển khai.

Ngày 13/2/2019, UBND huyện Nam Đàn có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc chỉ đạo các đơn vị khai thác đất san lấp thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tính”.

Theo nội dung kiến nghị nêu trên của UBND huyện Nam Đàn, hiện nay, hai công ty trên đã dừng việc khai thác đất nhưng vẫn chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác đất san lấp tại Rú Bùi, xã Khánh Sơn. Cử tri xã Khánh Sơn mong muốn 2 công ty khai thác sớm hoàn trả lại mặt bằng và trồng cây xanh để đảm bảo môi trường và chống sạt lở cho vùng dân cư lân cận. UBND huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo và có biện pháp xử lý để hai doanh nghiệp nêu trên nghiêm túc thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường tại khu vực đã khai thác. Tuy vậy, cho đến giữa tháng 3/2020 này công việc vẫn chưa được tiến hành, hiện trạng khu mỏ cũ ở Rú Bùi vẫn nham nhở, ngổn ngang.