Một quan chức thuộc BUMN cho biết dự án biến một làng thể thao ở thủ đô Jakarta thành bệnh viện chữa trị COVID-19 sẽ được nhân đôi tại các tỉnh thành khác trong cả nước.
Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) đang lên kế hoạch chuyển đổi các công trình hiện có thành bệnh viện dã chiến để chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/3, một quan chức thuộc BUMN cho biết dự án biến một làng thể thao ở thủ đô Jakarta thành bệnh viện chữa trị COVID-19 sẽ được nhân đôi tại các tỉnh thành khác trong cả nước, trong đó có thành phố Bandung thuộc tỉnh Tây Java, thành phố Semarang thuộc tỉnh Trung Java và thành phố Surabaya thuộc tỉnh Đông Java.
Ngoài ra, BUMN cũng sẽ hợp tác với Bộ Tôn giáo nhằm chuyển đổi một số ký túc xá của các cơ sở giáo dục Hồi giáo tại một số khu vực thành bệnh viện dã chiến.
Trước đó, ngày 23/3, BUMN đã phối hợp với Bộ Công chính và Nhà ở hoàn tất việc biến 4 tòa tháp căn hộ của làng thể thao Wisma Atay Kemayoran ở khu vực trung tâm Jakarta vốn từng được sử dụng trong Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 thành bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị các bệnh nhân mắc COVID-19 dự kiến sẽ tăng mạnh trong những ngày tới.
Các nhà khoa học mới đây cảnh báo Indonesia có thể ghi nhận 71.000 ca mắc COVID-19 vào cuối tháng 4 nếu chính quyền không thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần qua, từ mức 172 trường hợp hôm 17/3 lên 686 trường hợp trong ngày 24/3, trong đó có 55 ca tử vong. Đại dịch cũng đã lan đến ít nhất 22 trong số 34 tỉnh thành của quốc gia này.
Cùng ngày, Malaysia đã thảo luận với Chính phủ Trung Quốc, đề nghị Bắc Kinh gửi các chuyên gia y tế đến giúp quốc gia Đông Nam Á này đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu với báo giới ngày 24/3, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho hay bộ này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chính phủ nước ngoài dựa trên mối quan hệ tốt đẹp giữa Malaysia với các nước.
Theo ông Hishammuddin, trước mắt các chuyên gia y tế tại 26 bệnh viện lớn ở Malaysia sẽ có cuộc thảo luận trực tuyến với các đối tác Trung Quốc trong ngày 26/3 để chia sẻ kinh nghiệm về cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ Y tế Malaysia cũng cho biết Bộ này đã hoàn tất gói mua sắm 33 triệu bộ bảo hộ y tế cá nhân và sẽ phân phối đến các cơ sở y tế trong tuần này.
Trong những ngày qua, do thiếu nguồn cung, nhiều nhân viên y tế của nước này đã phải sử dụng các bộ bảo hộ làm bằng áo mưa.
Cũng liên quan đến dịch COVID-19, bang Sarawak của Malaysia, nơi có số ca tử vong cao nhất cả nước, với 5 ca, đã bắt đầu áp dụng lệnh giới nghiêm từ ngày 24/3 cho đến hết tháng này. Lệnh giới nghiêm chỉ miễn trừ các đối tượng là các nhân viên công vụ và giới báo chí.
Kể từ khi Malaysia áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), người dân nước này đã chấp hành tốt quy định này, tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa có ý thức chấp hành.
Tính đến ngày 24/3, giới chức nước này đã bắt giữ tổng cộng 28 đối tượng vi phạm.
Nhằm hỗ trợ người dân và các đơn vị kinh tế vượt qua khó khăn do dịch bệnh, ngày 24/3, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) thông báo, các khách hàng, bao gồm các cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này sẽ được hoãn trả lãi các khoản tiền vay, thế chấp trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 4.
Chính phủ Malaysia trong ngày đã thông báo quyết định thành lập lực lượng đặc trách với nhiệm vụ cung ứng đủ lương thực cho người dân trong giai đoạn thực hiện lệnh hạn chế đi lại, được áp dụng từ ngày 18-31/3.
Lực lượng đặc trách này có sự tham gia của Bộ Ngoại thương và Công nghiệp, Bộ Nội thương và Tiêu dùng và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm.
Tính đến hết ngày 24/3, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.624 ca mắc COVID-19, trong đó 183 trường hợp đã bình phục, 15 trường hợp tử vong.