Liên quan đến việc Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị chuyên gia xin ý kiến về phương án cải tạo công trình sai phạm Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, trước đó, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản, động thái yêu cầu địa phương nhanh chóng có giải pháp khắc phục.
Quan điểm của Bộ trước sau đã thể hiện rất rõ về phương hướng giải quyết đối với sai phạm của công trình này, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư địa phương cũng như trên cả nước.
PV: Thưa bà, Cục Di sản Văn hóa đánh giá như thế nào về sự chậm trễ trong việc Hà Giang xử lý công trình sai phạm Panorama- Mã Pì Lèng trong thời gian qua?
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Trước hết phải thấy rằng vụ việc Panorama – Mã Pì Lèng phải được nhìn nhận trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo để xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư, kinh doanh, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang.
Tại Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14.10.2019, Bộ VHTTDL đã nêu rõ quan điểm đây là sai phạm cần được xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương cũng như trên cả nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cần sớm xem xét, giải quyết vụ việc.
Sau khi Bộ VHTTDL, Cục DSVH tiếp tục có văn bản “hối thúc” tỉnh Hà Giang xử lý và sau đó tỉnh đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến chuyên gia, động thái này nói lên điều gì, thưa bà?
Trong quá trình phối hợp công tác, Cục Di sản văn hóa vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin qua Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang về việc các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đang trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ việc. Đến ngày 28.02.2020, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 114/DSVH-DT đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh Hà Giang có văn bản gửi Bộ VHTTDL về việc xử lý công trình.
Trên cơ sở Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14.10.2019 của Bộ VHTTDL, ngày 12.3.2020, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp với mục đích tham vấn các tổ chức, cá nhân có liên quan để bàn về giải pháp xử lý công trình Panorama. Qua tham dự cuộc họp, Cục Di sản văn hóa thấy rằng, UBND tỉnh Hà Giang đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị và đề xuất phương án xử lý công trình Panorama và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan chức năng của tỉnh từ trước khi cuộc họp diễn ra tại Hà Nội. Thành phần tham dự cuộc họp cũng được UBND tỉnh Hà Giang tham khảo đề xuất theo mục đích nội dung cuộc họp, gồm đại diện Ban thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Nghiên cứu kiến trúc, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, một số kiến trúc sư có uy tín và nhà khoa học thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản được mời cũng đã có văn bản góp ý. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia tại cuộc họp, UBND tỉnh Hà Giang cho biết đã tiếp thu đầy đủ và chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện phương án xử lý đối với công trình.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử cho tồn tại trong trường hợp này là không nghiêm. Vậy quan điểm của Cục Di sản Văn hóa như thế nào?
Quan điểm của Bộ VHTTDL trước sau đã thể hiện rất rõ về phương hướng giải quyết đối với sai phạm của công trình này, đó là đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp.
Theo thẩm quyền, UBND tỉnh Hà Giang có trách nhiệm xử lý vụ việc, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thưa bà, về phương án được thống nhất cao tại cuộc họp, Cục Di sản văn hóa có nhận định như thế nào? Cần có những lưu ý gì để địa phương chỉnh sửa phương án trước khi triển khai, đặc biệt về vấn đề môi trường?
Căn cứ quy định của Điều 36 Luật Di sản văn hóa: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”, đồng thời, căn cứ thực tế, công trình Panorama xây dựng tại vị trí ngoài khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, nhưng lại nằm trong lòng Công viên cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh, ngày 14.10.2019 với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH, trong đó yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tham vấn chuyên gia khắc phục theo hướng: “cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang”.
Tại cuộc họp tham vấn tổ chức tại Hà Nội ngày 12.3.2020, Cục Di sản văn hóa đã đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng cải tạo công trình theo đúng ý kiến nêu trên của Bộ VHTTDL. Mọi thành viên trong cuộc họp cũng đều thống nhất đề nghị tiếp tục chỉnh sửa theo ý kiến của cơ quan chuyên môn về kiến trúc và môi trường để UBND tỉnh Hà Giang xem xét, làm cơ sở xử lý vụ việc.
Đặc biệt lưu ý phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai, thực hiện.
Sau vụ việc này, ở góc độ quản lý nhà nước về di sản, địa phương Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung cần nhận thức rõ vấn đề gì, thưa bà?
Luật Di sản văn hóa quy định di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong bối cảnh hiện nay, di sản văn hóa là tài sản, là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Vấn đề là phải xử lý hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Các giá trị di sản phải bảo vệ và phát huy, không chỉ đơn thuần vì phát triển kinh tế mà làm phương hại, gây nguy cơ hủy hoại tới kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
Mặt khác, dưới góc độ quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tỉnh Hà Giang cũng như các địa phương trên cả nước cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan; kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa và đội ngũ nhân lực làm công tác văn hoá; đồng thời, kiên quyết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại đến di sản văn hóa. Qua vụ việc này, UBND tỉnh Hà Giang sẽ có đánh giá cụ thể trong việc quản lý di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!