Thuật ngữ “kẻ săn trộm” thường được sử dụng cho bất kỳ ai liên quan đến tội phạm động vật hoang dã. Trong thực tế, tội phạm động vật hoang dã hoạt động thông qua một mạng lưới tội phạm phức tạp, nơi kẻ săn trộm – người thực hiện hành vi giết hại bất hợp pháp động vật để bắt đầu chu trình giao dịch – nằm ở tầng nấc thấp nhất.
Những kẻ săn trộm thường là thành viên cộng đồng nông thôn có “kỹ năng đi rừng” tốt. Họ cần tìm và tiêu diệt mục tiêu đã định, rồi mang sản phẩm đến đầu nậu. Nhưng kỹ năng đi rừng không còn đủ để săn trộm tê giác. Nạn săn trộm tê giác tăng mạnh trong những năm gần đây khiến loài này được bảo vệ đặc biệt.
Nhà chức trách đã thành lập các nhóm chống săn trộm, dựng hàng rào điện, lắp đặt camera giám sát và áp dụng công nghệ. Không dễ để vượt qua sự bảo vệ đó rồi tìm và giết một con tê giác để lấy sừng cho đầu nậu. Việc này cần có thông tin từ bên trong qua các “tay trong”.
Hối lộ là trung tâm của tay trong. Người ta bị mua chuộc để cung cấp thông tin nội bộ nhằm tìm cách khác hoặc để loại bỏ những trở ngại giúp hoạt động tội phạm dễ dàng hơn.
Trong khi nạn săn trộm thường do các thành viên cộng đồng nông thôn thực hiện, giới đầu nậu có xu hướng tham gia vào các hoạt động bất chính như buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Những người này thường có lượng tiền mặt đáng kể để “bôi trơn”.
Tay trong trong tội phạm động vật hoang dã có thể xảy ra bất cứ nơi nào. Người ta lợi dụng kiến thức bí mật hoặc vị trí quyền lực để thực hiện hành vi phạm tội ở tất cả các cấp của chuỗi tội phạm. Đó có thể là một nhân viên của một khu bảo tồn, thậm chí có thể các nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ tê giác.
Ở cấp độ cao hơn, đó có thể là một sĩ quan cảnh sát, một viên chức hải quan, nhân viên chính phủ khác hoặc một nhà lãnh đạo cộng đồng sử dụng vị thế của mình để cho phép giết tê giác hoặc buôn bán sừng tê giác ra khỏi đất nước.
Vụ án nổi bật nhất trong những tháng gần đây về vấn đề tay trong là vụ bắt giữ (tháng 1/2020) một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Oshakati về tội sử dụng chức vụ làm vỏ bọc cho các hoạt động của một trùm tội phạm động vật hoang dã. Vị này vừa điều phối hoạt động săn trộm tê giác ở Vườn quốc gia Etosha vừa bán sừng cho các nhà buôn quốc tế. Một số quan chức chính phủ khác cũng bị bắt sau đó do liên quan đến nạn săn trộm tê giác ở Etosha.
Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy ở Namibia, lực lượng an ninh và quan chức chính phủ không đứng trên pháp luật. Các nghi phạm đều bị bắt giữ, buộc tội và truy tố, bất kể ở chức vụ nào.
Các vụ án tội phạm động vật hoang dã liên quan đến nhân viên chính phủ thường được công chúng chú ý, dễ gây ra ấn tượng rằng phần lớn tội phạm động vật hoang dã do công chức thực hiện. Trong số 91 nghi phạm bị bắt với các cáo buộc liên quan đến nạn săn trộm hoặc buôn bán tê giác trong năm 2019, chỉ có sáu người là công chức chính phủ.
Càng ngày tiến bộ công nghệ, bao gồm các kỹ thuật giám sát và pháp y xuất sắc càng hỗ trợ công tác thực thi pháp luật lên một cấp độ mới. Kết hợp với thông tin từ công chúng, các quan chức thực thi pháp luật đang đi trước những kẻ săn trộm một bước trong trong nhiều trường hợp.
Năm 2019, 91 nghi phạm đã bị bắt trong 27 vụ liên quan đến săn trộm hoặc buôn bán tê giác. Trong số này, 59 nghi phạm trong 15 vụ bị bắt trước khi kịp giết tê giác và bị buộc tội có mưu đồ săn trộm. Hơn một nửa số vụ tội phạm tê giác liên quan đến bắt giữ là các vụ như thế.
Theo luật pháp Namibia, có mưu đồ săn trộm bị xử với mức án tương đương phạm tội thực tế.
Các vụ bắt giữ trước khi kịp gây án đã cứu được hàng tá cá thể tê giác và được coi là một trong những thành công quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tội phạm động vật hoang dã ở Namibia. Qua đó cho thấy rằng khi các hệ thống pháp lý hoạt động hiệu quả và công chúng đứng về phía pháp luật, sức mạnh của tay trong sẽ bị đảo ngược.
Nhật Anh (Theo AllAfrica)