Hơn 2 năm kể từ lễ động thổ, dự án nhà máy điện rác trị giá 2.200 tỉ đồng ở Trạm Thản, Phù Ninh, Phú Thọ hiện vẫn chỉ là bãi đất trống. Trong khi cách đó chừng 30km về hướng Đông Nam, hàng trăm hộ dân ở Khu 6, xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì nhiều năm qua “sống mòn” trong cảnh ô nhiễm và bệnh tật bên núi rác thải khổng lồ.
Khởi công xong… để đấy
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11.9.2019. Với quy mô hơn 2.200 tỉ đồng, rộng 10ha, công suất giai đoạn 1 là 500 tấn rác/ngày, dự án được cho là sẽ giữ ngôi vương trong lĩnh vực điện rác tại Việt Nam.
Đến ngày 11.10.2017, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với Công ty TNHH năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ. Thuyết trình tại lễ động thổ hôm 12.10.2017, đơn vị Chủ đầu tư tự tin cho biết, Nhà máy sẽ đem lại môi trường xanh – sạch – đẹp, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên sau hơn 2 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống cùng với nhiều lo ngại về tính khả thi.
Có mặt tại khu 5 xã Trạm Thản một ngày cuối tháng 3.2020, theo quan sát, nơi được lựa chọn xây dựng là đỉnh một quả đồi thấp đã được lu san bằng phẳng, duy nhất một lối ra vào. Đây cũng là điểm cuối của con đường độc đạo vốn đã gồng gánh tới 3 nhà máy xử lý rác của các công ty môi trường trên địa bàn.
Không bảng biển, không bóng người qua lại. Tất cả những gì hiện hữu tại dự án hơn 2.200 tỉ đồng này vẫn chỉ một khu nhà tạm bằng container nằm chơ vơ giữa bãi đất cùng các khối bêtông xám xịt xếp ngổn ngang lối vào.
Thông tin về sự chậm trễ này, theo Sở Xây dựng Phú Thọ, nguyên nhân chính là bởi nhà đầu tư chưa lường hết được khó khăn khi triển khai. Mặt khác, tỉnh Phú Thọ cũng muốn điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và một số cam kết với nhà đầu tư. Vấn đề ở chỗ, ngay tại thời điểm xin chủ trương, Bộ Tài chính đã có những nghi ngại nhất định về năng lực của chủ đầu tư nhưng sau đó, Công ty TIANYU Phú Thọ vẫn được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho triển khai dự án.
Một vấn đề khác, từ khi có chủ trương đốt rác phát điện, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các địa phương không đầu tư xây dựng mới các nhà máy xử lý rác, khiến cho nhiều bãi rác ngày càng trở nên quá tải. Đơn cử, tại thành phố Việt Trì, trung tâm của tỉnh Phú Thọ, hơn 300 hộ dân sống cạnh Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì suốt nhiều năm qua lay lắt khổ sở bởi tình trạng ô nhiễm. Trong khi số rác cũ còn chưa xử lý hết thì rác mới cứ ùn ùn kéo về. Rác thải hôi thối chất thành đống ngay sát khu dân cư. Mùi xú uế nồng nặc quẩn trong gió. Nước thải ngấm vào lòng đất khiến hoa màu thất bát. Ruồi nhặng từng đàn đen kịt…
Người dân lo lắng
Dẫn PV đi mục sở thị khu vực quanh nhà máy chế biến rác thải, từng người dân tiếp lời kể về nỗi khổ sở khi phải sống chung với ô nhiễm. Vấn nạn này như đang hút cạn dần niềm vui và sức sống của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Chỉ tay vào hơn 2ha đất đã được cày xới, dọn cỏ nhưng bỏ không, bà Bùi Thị Tuyết (63 tuổi) nói: “Nhiều vụ rồi, lúa cấy thì chết non hoặc năng suất kém. Nhiều nhà thả cá nhưng cá cũng chết trắng mỗi khi nước thải đổ về hay khi trời mưa nước thải dâng lên tràn xuống ao hồ. Trước Tết, nhà tôi trồng lạc, trồng sắn, trồng ngô mà cứ chớm mầm lại chết”.
Không chỉ khiến mùa màng thất bát, vấn đề dịch bệnh mới là thứ khiến người dân lo lắng nhất. Bế trên tay cháu nội 1 tuổi vừa mới ra viện vì căn bệnh viêm phổi, bà Bùi Thị Tuyết kể: “Mấy đứa cháu nhà tôi sống cạnh nhà máy lúc nào cũng ho sốt, ốm đau dặt dẹo. Không riêng trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng bị mẩn ngứa, lở loét khắp người…”.
Theo bà Nguyễn Thị Lai, Trưởng khu 6, xã Phượng Lâu thì từ ngày nhà máy chế biến rác thải đặt tại khu vực từ khoảng 10 năm nay, số người dân mắc các bệnh về da liễu, hô hấp tăng vọt. Bà Lai lấy ví dụ điển hình về trường hợp của bà Bùi Thị Hương (45 tuổi) đang điều trị bệnh liên quan đến phổi. Ba năm trước, mẹ bà Hương, cũng sống tại khu 6, đã qua đời bị ung thư phổi.
Đáng chú ý, cách bãi rác chỉ vài trăm mét là Trường tiểu học Vân Phú và Bệnh viện Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì. Theo một số giáo viên, mỗi khi trời có gió hoặc nắng nóng, mùi hôi thối từ bãi rác cứ quanh quẩn, rất khó chịu. Không ít người đã xin chuyển công tác do tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây ngày càng nghiêm trọng.
Trao đổi với PV, ông Phùng Duy Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu cho biết: “Chính quyền xã rất mệt mỏi về việc này. Người dân kêu than, kiến nghị liên tục nhưng vì nhà máy mới chưa hoàn thiện nên chúng tôi cũng không biết phải xử lý thế nào. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện, chúng tôi cũng đã ý kiến rồi nhưng chưa có kết quả…”.
Còn theo ông Phạm Xuân Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì – thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Phượng Lâu diễn ra nhiều năm nay chính bởi hiện tượng quá tải. Số rác dồn về mỗi ngày luôn cao gấp nhiều lần lượng rác mà nhà máy có thể xử lý. Tuy vậy, tất cả những gì địa phương có thể làm là… chờ.
“Về lâu dài vẫn phải chờ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Phú Thọ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh hoàn thành. Sau đó, toàn bộ khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày sẽ được đưa về đấy, đồng thời xem xét từng giai đoạn để chuyển rác ở Phượng Lâu, Việt Trì về nhà máy mới xử lý theo quy trình” – ông Sơn nói.