Hơn 6.000 ca tử vong do Covid-19 tại Italy

Ngày 23-3, Italy ghi nhận thêm 602 ca tử vong, nâng tổng số người chết do Covid-19 trong nước lên 6.077. Đây là số ca tử vong do Covid-19 trong ngày thấp nhất tại Italy kể từ thứ Năm tuần trước, cho thấy tình hình dịch bệnh có xu hướng thuyên giảm.

Người bệnh Covid-19 được chuyển tới Bệnh viện San Raffaele tại Milan, Italy. (Ảnh: AP)

Số ca nhiễm và tử vong tại Italy có xu hướng giảm

Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, từ ngày 22 đến 23-3, số ca bệnh tại Italy tăng 8%, từ 59.138 lên 63.927 ca. Đây cũng là mức tăng tỷ lệ phần trăm thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Italy từ ngày 21-2 vừa qua. Trước đó, ngày 22-3, Italy ghi nhận thêm 651 người chết vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cũng tính đến ngày hôm qua, số người bệnh hoàn toàn bình phục là 7.432, tăng hơn 400 người so với một ngày trước đó. Hơn 3.200 người bệnh đang được điều trị tích cực tại Italy.

Với hơn 3.700 người chết và 28.700 ca bệnh, vùng Lombardy ở miền bắc Italy là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhất và vẫn trong tình thế nguy hiểm.

Ông Silvio Brusaferro, một quan chức cấp cao trong ngành y tế Italy cho rằng không nên quá lạc quan về số liệu gần đây và những dấu hiệu tích cực được ghi nhận trong ngày 23-3 là kết quả của những hành động được triển khai từ đầu tháng này chứ không phải những ngày gần đây.

“Chúng ta cần có nhiều kết quả liên tục hơn để xác nhận dịch bệnh có xu hướng giảm và để chắc chắn hơn rằng chúng ta đang ở trong tình thế thuận lợi”, ông Brusaferro nói.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức thấp

Viện kiểm soát dịch bệnh Robert Koch của Đức vừa thông báo, số ca bệnh tại nước này đã tăng thêm 4.764 ca trong một ngày, nâng tổng số người bệnh lên 27.436. Đức cũng ghi nhận thêm 28 ca tử vong và tổng số ca tử vong của nước này hiện là 114.

Mới đây, tờ Guardian của Anh đã có bài phân tích tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức, quốc gia ghi nhận số ca bệnh đứng thứ ba châu Âu, chỉ sau Italy và Tây Ban Nha. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức ngày 22-3 là 0,3%, mức thấp nhất trong 10 nước châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch, trong khi tỷ lệ này tại Italy là 9% và Anh là 4%.

Số liệu nêu trên khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì Italy và Đức đều có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất châu Âu. Thậm chí, Chỉ số sức khỏe toàn cầu do Bloomberg công bố còn cho thấy, người Italy có lối sống lành mạnh hơn người Đức.

Các chính trị gia và giới chức y tế Đức không muốn bình luận về tỷ lệ tử vong tại nước này khi dịch bệnh đang diễn tiến nhanh chóng. Chủ tịch Viện Robert Koch Lothar Wieler cho biết, ông không hy vọng sẽ có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa Italy và Đức về lâu dài. Theo Chủ tịch Viện Robert Koch Lothar Wieler, Đức có năng lực làm 160 nghìn xét nghiệm trong một tuần.

Bà Marylyn Addo, người đứng đầu Khoa Bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Đại học Hamburg nhận định, còn quá sớm để nói đến việc Đức đã chuẩn bị ứng phó đại dịch Covid-19 về mặt y tế tốt hơn các quốc gia khác hay không. Tuy nhiên, bà Addo cho rằng, khi bệnh viện ở miền bắc Italy đang quá tải thì bệnh viện tại Đức vẫn chưa hoạt động hết công suất, và Đức có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị giường bệnh, dự trữ thiết bị và phân phối lại nhân sự.

“Lợi thế của Đức là chúng tôi bắt đầu truy tìm những người đã tiếp xúc (với người nghi nhiễm hoặc đã nhiễm virus) sau khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận. Điều đó giúp chúng tôi có thời gian chuẩn bị cơ sở y tế để đón cơn bão đang tới”, bà Addo nói.

Một yếu tố quan trọng khác là Đức bắt tay vào làm xét nghiệm cho cả những người có triệu chứng nhẹ từ khá sớm, điều này giúp giới chức y tế có được số liệu tổng quát về số người đã được xác định mắc bệnh và do đó có thể hình dung bức tranh rõ ràng hơn về sự lây lan của Covid-19. Theo Chủ tịch Viện Robert Koch Lothar Wieler, Đức có năng lực làm 160 nghìn xét nghiệm trong một tuần.

H.H (Theo Reuters, AP và Guardian)

Nguồn: