Số phận gói cứu trợ khổng lồ nhằm giải cứu kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 đang “lơ lửng” sau khi không nhận được lá phiếu nào của đảng Dân chủ ngày 22/3.
Đảng Dân chủ lập luận rằng gói cứu trợ do đảng Cộng hòa đề xuất không bảo vệ đủ cho hàng triệu người lao động Mỹ trong đại dịch Covid-19, và không áp đặt đủ các quy định ràng buộc đối với các doanh nghiệp được giải cứu, theo New York Times.
Dự luật này đề ra 1.800 tỷ USD cấp cho các gia đình Mỹ, hàng nghìn doanh nghiệp đang thiệt hại cũng như hệ thống bệnh viện đang thiếu thốn trầm trọng.
Nhưng đề xuất đó không qua được vòng bỏ phiếu bất chấp ba ngày thương lượng dồn dập, gấp gáp giữa đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Trump.
Thượng viện bỏ phiếu 47 phiếu thuận, 47 phiếu chống, trong khi cần phải có 60 phiếu để thông qua. 5 thượng nghị sĩ đang tự cách ly và không bỏ phiếu, trong khi Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul của đảng Cộng hòa là thành viên đầu tiên của Thượng viện tuyên bố nhiễm Covid-19.
Trước đó, ít nhất hai thành viên của Hạ viện đã dương tính.
Nhà Trắng và các nghị sĩ hai đảng đang chuẩn bị tinh thần cho những hỗn loạn nữa khi thị trường chứng khoán mở cửa ngày 23/2 đầu tuần, nếu họ không thể thông qua dự luật.
Kết quả gây sốc nói trên sẽ gây thêm sức ép buộc Quốc hội Mỹ phải thỏa hiệp đối với gói cứu trợ, qua đó bật đèn xanh để chính quyền liên bang can thiệp sớm nhất có thể – gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ, theo New York Times.
Cả hai đảng cũng như Tổng thống Trump đều đồng ý rằng dự luật có vai trò then chốt, như chiếc đệm đỡ cho những thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19, vốn đã khiến nhiều ngành nghề đóng cửa, các lao động mất việc hoặc ở nhà, và thị trường chứng khoán chao đảo.
Gói cứu trợ sẽ chuyển 1.200 USD trực tiếp cho hàng triệu người Mỹ, tăng trợ cấp thất nghiệp, và hỗ trợ hàng trăm tỷ USD các khoản vay cho doanh nhiệp.
Nhưng đảng Dân chủ lên án gói cứu trợ là dễ dãi đối với các doanh nghiệp lớn, thay vì giúp người lao động. Chẳng hạn, họ phản đối 425 tỷ USD có thể được dùng để cho các công ty vay, mà không có quy định ràng buộc rõ ràng những công ty nào được vay hay phải sử dụng tiền như thế nào.
Trong khi đó, các lệnh yêu cầu người dân ở nhà tiếp tục được ban hành ở Mỹ, mới nhất là các bang Ohio, Louisiana và Delaware. Giờ đây 1 trên 3 người Mỹ đang được lệnh không ra ngoài, trong khi các lệnh cách ly xã hội cũng đang leo thang tại châu Âu, nơi chiếm đến 1/2 số ca nhiễm virus của thế giới.
Tổng dân số được lệnh ở nhà tại Mỹ lên tới 101 triệu người, giữa lúc số người nhiễm toàn quốc vượt mức 34.000 (do chính quyền đẩy mạnh xét nghiệm), còn số ca tử vong vượt trên 410, theo thống kê của Reuters.
Ngày 22/3, Tổng thống Trump nói sẽ điều Vệ binh Quốc gia tới New York, California và Washington để chống dịch, và tàu bệnh viện Mercy sẽ tới Los Angeles trong vòng một tuần.