Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 22/3: Gần 5.000 người tử vong tại Ý, nhiều nước ghi nhận ca nhiễm mới

Trong khi Ý xác nhận hơn 53.000 ca nhiễm và gần 5.000 người tử vong vì COVID-19, hàng loạt quốc gia khác có ca nhiễm mới và đã thực hiện lệnh giới nghiêm cũng như đóng cửa nhiều địa điểm công cộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ý: 53.578 ca nhiễm, gần 5.000 người chết

Ý, đất nước bị thiệt hại nặng nề nhất hiện nay do COVID-19 đã ghi nhận số ca tử vong tăng thêm 800 người chỉ trong ngày 22/3, nâng tổng số người chết tại nước này lên gần 5.000 người.

Một con đường vắng vẻ sau khi Ý tăng cường các biện pháp phong tỏa để chống lại dịch bệnh COVID-19 ở Catania, Ý vào ngày 21/3/2020. Ảnh: REUTERS / Antonio Parrinello

Cụ thể, số người tử vong tại Ý đã tăng 793 người, nâng tông số ca tử vong tại nước này lên 4.825. Đây là lần tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Ý cách đây một tháng.

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý, tính đến hết ngày 21/3, số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã tăng lên 53.578 người, tăng từ 47.021 tính đến một ngày trước đó. Hiện có 2.857 người được chăm sóc đặc biệt, tăng từ 2.655 người.

Ý phong tỏa chặt chẽ hơn tại Lombardy

Khu vực phía bắc vùng Bologna xung quanh Milan – thủ phủ của vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 vẫn trong tình trạng nguy kịch, với 3.095 trường hợp tử vong và 25.515 trường hợp mắc bệnh.

Ông Attilio Fontana, thống đốc của vùng Bologna yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa tất cả các hoạt động, ngoại trừ chuỗi cung ứng thiết yếu của thành phố.

Trong một tuyên bố vào cuối ngày 21/3, Fontana cho biết các thị trường mở hàng tuần phải tạm dừng hoạt động cũng như hầu hết các văn phòng và công trường xây dựng.

Vùng Bologna cũng yêu cầu người dân không được tập luyện bất kỳ môn thể thao ngoài trời nào, thậm chí chỉ có một người trong khu vực.

Theo Hãng tin Reuters, các biện pháp phong tỏa ở Ý và một số quốc gia khác ở châu Âu hồi đầu tháng này có thể gây ra sự suy thoái kinh tế và mất việc làm nặng nề.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết EC đang đẩy nhanh công việc trong kế hoạch toàn EU để giúp đỡ người thất nghiệp, dự kiến công bố trong quý 4 năm nay.

Dịch COVID-19 đang lây lan đến nhiều người nổi tiếng. Ngày 21/3, nhà vô địch bóng đá Serie A của Ý, Juventus cho biết tiền đạo người Argentina của câu lạc bộ Juventus, Paulo Dybala đã dương tính với COVID-19 mà không hề có triệu chứng.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh có thể “vỡ trận” vì COVID-19

Trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 tại Anh đã chạm mốc 233, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) có thể bị “vỡ trận” giống như hệ thống y tế của Ý chỉ trong hai tuần.

Trong các bình luận được đăng trên tờ nhật báo Telegraph và các tờ báo khác vào ngày 22/3, ông Johnson một lần nữa kêu gọi người Anh ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự một cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại London, Anh vào ngày 20/3/2020. Ảnh: Julian Simmonds / Pool/ Reuters

“Nếu chúng ta không hành động cùng nhau, cùng góp sức vào nỗ lực của quốc gia và tập thể để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 thì rất có thể NHS của chúng ta sẽ bị “vỡ trận”- Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Anh đã kêu gọi 1,5 triệu người được NHS xác định là có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn nếu nhiễm COVID-19 không rời khỏi nhà để tự bảo vệ mình.

Trước đó, ngày 20/3, Thủ tướng Johnson cũng đã ra lệnh đóng cửa Vương quốc Anh một cách hiệu quả, yêu cầu các quán rượu, nhà hàng, cửa hàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục đóng cửa để chống lại virus.

Hơn 1.300 người chết, Tây Ban Nha cảnh báo “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”

Ngày 21/3, chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để chống lại đại dịch COVID-19 và cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra” sau khi số ca tử vong tại quốc gia này vượt quá 1.300 trường hợp và gần 25.000 người nhiễm.

Dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu cho thấy không có dấu hiệu chậm lại khi số người chết tại Tây Ban Nha tăng hơn 300 người so với ngày hôm trước. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang “lấp đầy” trong một số bệnh viện.

Mọi người đeo khẩu trang tại Quảng trường vắng vẻ Puerta del Sol trong bối cảnh nước Ý phong tỏa đất nước để chống COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 21/3/2020. Ảnh: REUTERS / Sergio Perez

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố hôm 21/3, số người chết tại nước này đã nhảy vọt lên 1.326, tăng từ 1.002 người ngày hôm trước. Số ca nhiễm tăng lên 24.926 người, từ 19.980.

Bà Maria Jose Sierra, một quan chức hàng đầu tại ủy ban khẩn cấp y tế Tây Ban Nha cho biết tỷ lệ tử vong theo dữ liệu hiện tại là khoảng 5% nhưng theo bà, con số thực tế này thấp hơn vì xét nghiệm chủ yếu được tiến hành đối với những người trong bệnh viện, có nghĩa là sẽ có nhiều trường hợp tử vong hơn.

Nhiều nước thực thi lệnh giới nghiêm, đóng cửa địa điểm công cộng

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ tối 21/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi lệnh giới nghiêm một phần đối với các công dân trên 65 tuổi và những người có bệnh mãn tính. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cung cấp thêm chi tiếp về lệnh giới nghiêm sau đó.

Guatemala và Kuwait cũng áp dụng lệnh giới nghiêm tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã ban bố lệnh giới nghiêm trong vòng 8 ngày, bắt đầu từ ngày 22/3.

Trong khi đó, Kuwait sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc kể từ 15h đến 4h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 22/3. Theo hãng tin KUNA, nội các Kuwait cũng tuyên bố chính phủ và các cơ quan tư nhân sẽ ngừng hoạt động thêm hai tuần.

Bên cạnh lệnh giới nghiêm, việc đóng cửa các địa điểm công cộng cũng là biện pháp được nhiều nước áp dụng. Để ngăn chặn COVID-19 lây lan, UAE cùng Qatar đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng như công viên và bãi biển. UAE cũng yêu cầu các hồ bơi, rạp phim và phòng tập gym dừng hoạt động trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 22/3.

Hàng loạt nước ghi nhận ca nhiễm mới

Ngày 22/3, Uganda ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là một công dân 36 tuổi, trở về từ thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Tại Cyprus, Bộ Y tế nước này công bố ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 là một người có bệnh nền.

Ireland xác nhận 102 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 785.

Tại Eritrea, ngày 21/3 đã có ca nhiễm đầu tiên là một công dân từ Na Uy trở về nước.

Tại Pháp, Bộ Y tế nước này xác nhận 112 ca tử vong mới trong ngày 21/3, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại Pháp lên 562 người. Số ca nhiễm đã tăng từ 12.612 lên 14.459 người chỉ trong một ngày.

Theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca, số ca nhiễm COVID-19 tại đây đã tăng từ 277 lên 947 người, trong khi đó, số ca tử vong là 21 người, tăng thêm 12 người.

Tại Algeria, tính đến ngày 21/3, đã có 139 người nhiễm COVID-19, tăng từ 95 người một ngày trước đó. Để ngăn dịch bệnh lây lan, giới chức trách nước này đã ra lệnh dừng tất cả hoạt động đi lại trong nước, đóng cửa các giáo đường, tiệm cà phê, nhà hàng và yêu cầu một phần hai số công chức nghỉ làm.

Tính đến 8h sáng 22/3/2020, thế giới xác nhận 307.885 người mắc và 13.112 người tử vong vì COVID-19. Trong đó, 81.088 người nhiễm và 3.255 ca tử vong tại lục địa Trung Quốc; 226.887 ca nhiễm và 9.857 ca tử vong tại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc.

Việt Nam ghi nhận 113 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1); 1 bệnh nhân (BN18) nhiễm (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).