Mới đây, Phát ngôn viên Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Victor Jona cho biết quy hoạch tổng thể về nhu cầu năng lượng của nước này sẽ không bao gồm các dự án xây dựng đập thủy điện đã lên kế hoạch trên dòng chính của con sông Mê Kông ít nhất cho đến thập kỷ tới.
“Trong khoảng thời gian 2020 -2030, chúng tôi sẽ không xây dựng bất kỳ một đập thủy điện nào trên dòng chính sông Mê Kong”, Victor Jona chia sẻ với báo chí nhưng từ chối chia sẻ về quy hoạch tổng thể mới.
Vị này cũng cho biết Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia sẽ tiến hành một “nghiên cứu toàn diện” và đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định xây dựng một đập mới trên dòng chính. Bên cạnh đó, Chính phủ Campuchia sẽ nghiên cứu tiềm năng xây dựng các đập thủy điện vừa và nhỏ trên các nhánh của sông Mê Kông và các sông khác. Ngoài ra, Campuchia cũng sẽ nghiên cứu thêm khả năng sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng bằng dự án kết hợp với một công ty Trung Quốc, cụ thể là Công ty TNHH CNOOC Gas Power Group, dự kiến năm 2027 sẽ hòa lưới điện.
Theo các tài liệu đệ trình lên Ủy hội sông Mê Kông vào năm 2018, Campuchia có tiềm năng thủy điện tới 10.000 MW, 50% là từ dòng chính sông.
Về phía cộng đồng, hầu hết các cộng đồng dân cư và ngư dân sinh sống hai bên bờ sông Mê Kông lâu nay đều không được cập nhật thông tin về việc các dự án thủy điện được đề xuất bao gồm cả con đập Sambor khổng lồ với công suất 2.600 MW ở tỉnh Kratie có được triển khai theo kế hoạch hay không và gây ra những thách thức gì đối với các cộng đồng và hàng chục nghìn người dân Campuchia khác sinh sống dọc con sông.
Bà Phloak Sareth, 49 tuổi, mẹ của 5 đứa con đang sinh sống trên đảo Tnaut, xã Boeung Char, tỉnh Kratie, Campuchia chia sẻ rằng gia đình bà và các hộ gần đó đang sống trong thấp thỏm về dự án thủy điện Sambor công suất 2.600 MW đã được lên kế hoạch. Cư dân địa phương lo rằng họ sẽ phải di dời.
Bà Phloak Sareth cho biết “ở đây, chúng tôi sống rất tốt. Chúng tôi không biết nơi ở mới có tốt hay không, đất đai khu vực đó có trồng cấy được hay không”. Mực nước những năm gần đây thay đổi thất thường, các loài cá sông đã giảm cả lượng và chất.
Theo International Rivers, “đập Sambor sẽ là một sai lầm đắt giá và là bi kịch cho Campuchia”. Tổ chức này khẳng định trên trang web rằng “nếu đập Sambor được xây dựng sẽ cản trở phần lớn cá di từ phía Nam Lào đến hồ Tonle Sap của Campuchia, phá hủy sinh cảnh quan trọng của những loài cá sống ở tầng đáy và làm gián đoạn chu trình thủy văn, trầm tích và dinh dưỡng của sông, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái lớn hơn của dòng sông”.
Ngược về phía bắc của dòng Mê Kông, Lào cũng đang cho xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng các con đập gây tranh cãi dọc theo sông, bao gồm cả đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong giáp biên giới Campuchia.
Tháng 2 năm nay, 5 tổ chức phi chính phủ của Campuchia gồm 3S River Protection Network, FACT, The NGO Forum on Cambodia, My Village, Center and Environment Preservation Association đã bày tỏ quan ngại đối với dự án đập Luang Prabang đã được lên kế hoạch ở Lào và chỉ ra những tác động tiềm tàng của dự án này đến dòng chảy, các quần thể cá và lưu chuyển dòng trầm tích xuống hạ nguồn Mê Kông.
Các tổ chức này cho biết con đập mới này cùng với các đập hiện hữu sẽ tác động đến chế độ thủy văn của khu vực hạ nguồn, đặc biệt là hồ Tonle Sap – nguồn sống quan trọng bậc nhất của hầu hết người dân Campuchia.
Mai Nguyễn (Theo Voacampuchia)