Hàng rào xanh bảo vệ voi và người ở Quảng Nam

Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận ngày 21/3 là Ngày Quốc tế về Rừng từ năm 2012. Kể từ đó, để kỷ niệm ngày này, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA) và các đối tác luôn giới thiệu với công chúng những động vật hoang dã to lớn được các khu rừng từ khắp nơi trên thế giới che chở. Chủ đề năm 2020 là “Rừng và đa dạng sinh học”.

Voi châu Á ở Khu bảo tồn voi Quảng Nam là ví dụ tiêu biểu về đa dạng sinh học của Việt Nam (Ảnh: Khu bảo tồn voi Quảng Nam)

Việt Nam rất phong phú về khí hậu và các hệ sinh thái tự nhiên nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì đa dạng sinh học do sử dụng quá độ tài nguyên thiên nhiên và xung đột với động vật hoang dã. Dự án Phục hồi hàng rào xanh do Cục Kiểm lâm Mỹ hợp tác với Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam nhằm giải quyết các vấn đề này trong Khu bảo tồn voi của tỉnh.

Hiện tại, để có thể tìm kiếm nguồn thức ăn đầy đủ, voi rời khỏi Khu bảo tồn và xâm hại các khu vườn địa phương. Các cá thể lớn này thường phá hoại đồng ruộng, đe dọa sự an toàn của chính chúng cũng như cuộc sống của các thành viên cộng đồng.

Để giải quyết mâu thuẫn này, Dự án Phục hồi hàng rào xanh đang xây dựng một hàng rào tự nhiên bằng cách trồng những hàng cây bồ kết (Gleditsia sinensis) dày đặc, một loại cây có thể mọc thêm 60 cm mỗi năm. Bồ kết có đặc trưng là lớp gai cứng sắc nhọn bao phủ khắp thân và cành lá, gai có thể dài tới hơn 30 cm và tạo ra một chướng ngại vật khó vượt qua.

Bồ kết được Dự án Hồi phục hàng rào xanh trồng thành hàng rào nhằm ngăn xung đột giữa voi và cộng đồng địa phương. (Ảnh: Green Fence Restoration)

Giám đốc Khu bảo tồn voi Ngô Văn Tuấn đánh giá Hàng rào xanh “rất quan trọng đối với an toàn của voi và người dân”. Một khi hàng rào đã phát triển, năng lực thực thi pháp luật địa phương sẽ được tăng cường vì hàng rào “bảo vệ các loài động vật hoang dã khác khỏi những kẻ săn trộm và giảm nạn phá rừng”.

Năm 2019, Cục Kiểm lâm đã tổ chức hội thảo cho các bên liên quan tập trung trao đổi về tập tính, sinh cảnh và các yếu tố phát triển khác của voi trong Khu bảo tồn, kể cả việc xác định các giống cây ăn quả bản địa để trồng làm nguồn thức ăn trong tương lai. Không chỉ tạo thành chướng ngại xanh, những người tham gia hội thảo cho biết giải pháp hàng rào này còn có thể cho thu hoạch lá bồ kết để sử dụng cho các sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ như làm thuốc nam và dầu gội. Điều này mang lại lợi ích kép, vừa tạo thu nhập cải thiện sinh kế, vừa bảo vệ động vật hoang dã.

Cho đến nay, hơn 2,4 km bồ kết đã được trồng và đang được Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam giám sát.

Nhật Anh (Theo USDA)

Nguồn: