Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-1, giới chuyên gia bảo tồn kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành một Nghị quyết cấm các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên cả nước.
Bài 5: Nghị quyết cấm buôn bán động vật hoang dã, chớ để quá muộn
Ngay sau thời điểm phóng viên Báo điện tử VietnamPlus có loạt bài phản ánh vùng “đặc khu” bán lậu chim, thú hoang dã lớn nhất cả nước tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, vẫn diễn ra công khai.
Điều này càng trở nên bức xúc hơn khi dịch bệnh COVID-19 đang trở nên nóng bỏng với nguồn nghi nhiễm từ động vật hoang dã. Trước thực tế này, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc nghiêm cấm các hoạt động buôn bán “hàng cấm” phục vụ nhu cầu làm thực phẩm trên cả nước.
Đừng vì lợi ích cá nhân gây hại cộng đồng
Theo đánh giá của giới chuyên gia bảo tồn, cùng với Trung Quốc, Việt Nam đang nổi lên như một điểm nóng buôn bán động vật hoang dã lớn nhất thế giới, với nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong đó có 407 loài động vật nằm trong danh mục “sách đỏ Việt Nam” với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên được Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam nhận định là do mục đích thương mại và ăn uống.
Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người dân có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ tự nhiên và động vật hoang dã, trong đó phổ biến nhất là vì mục tiêu chữa bệnh (chiếm tới 71%), bồi bổ sức khỏe, làm quà biếu…
Tuy nhiên, điều mà các tổ chức bảo tồn thiên nhiên lo ngại nhất hiện nay không chỉ là sự sống còn của các loài động vật hoang dã quý hiếm đang ngày đêm phải nhận “án tử,” mà đặc biệt hơn là khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp với nguồn nghi nhiễm được các nhà nghiên cứu cho là bắt nguồn từ vật chủ là động vật hoang dã (từ dơi) sang người…
Phân tích rõ hơn về khả năng lan truyền dịch bệnh trên, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho rằng trong quá trình buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt… các loài động vật hoang dã có thể đã bị nhiễm các loại bệnh, virus, sau đó biến thể rồi lây truyền sang con người và trở thành đại dịch.
Điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như virus SARS, cúm H5N1. Theo ông Thái, sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh tương tự do chủng virus corona gây ra như SARS, MERS trong thời gian qua đều có liên quan đến nhiều loài động vật hoang dã như cầy hương, lạc đà, tê tê…
Vì thế, “bất luận đó là loài cụ thể nào vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân nghi ngờ gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã,” ông Thái nói.
Đây là nội dung thư ngỏ của SVW cùng 13 tổ chức quốc tế và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/2, kiến nghị đóng cửa các chợ, địa điểm có buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán chui các sản phẩm thịt hoang dã.
Cho đến nay, mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh COVID-19 lây truyền từ dơi sang người, nhưng ngày 24/2/2020 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết cấm buôn bán và sử dụng động vật hoang dã trên cạn và gửi thông báo đến 183 các quốc gia thành viên của Công ước Quốc tề về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các bệnh dịch từ động vật hoang dã.
Ở trong nước, trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, ngày 6/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành liên quan, soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.
“Công văn này đã thể hiện tính cấp bách của việc nếu không có quy định cụ thể cấm việc buôn bán và sử dụng động vật hoang dã thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con người. Tuy nhiên, cần thiết phải có những hành động kịp thời và kiên quyết hơn nữa để dừng ngay việc buôn bán động vật hoang dã,” ông Thái nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam cho rằng để phản ứng nhanh đối với dịch COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã. Vì thế, Việt Nam cũng cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có thể bắt nguồn từ động vật trong tương lai.
Ngặn chặn trước khi quá muộn!
Việc cần thiết ban hành Chỉ thị cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã đến thời điểm không thể trì hoãn. Theo đánh giá của giới chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, sở dĩ việc ngăn chặn các hành vi tàn sát, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các động vật hoang dã gặp khó khăn vì một bộ phận những người sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tham gia đường dây này, vì nhu cầu tiêu thụ các loại động vật hoang dã cho sở thích ăn uống, bồi bổ sức khỏe (như tin đồn) và do các hành vi tham nhũng, bảo kê hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép (cả vì lợi ích lẫn vì “lo sợ bị trả thù” của một số cán bộ kiểm lâm như lời lãnh đạo tỉnh Long An chia sẻ).
Những nguyên nhân này cũng đồng thời cản trở các nỗ lực điều tra, truy tố và xét xử đối với các tội phạm liên quan. Từ thực tế nêu trên, SVW kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết Nghiêm cấm việc sử dụng, săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giết mổ động vật hoang dã trên cạn làm thức ăn, làm thú nuôi; nghiêm cấm sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm làm thuốc…
Cùng với đó, cần nghiêm cấm các hoạt động nhân nuôi vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã trong “sách đỏ” đồng thời lập danh sách các loài động vật khác được phép nhân nuôi trên cơ sở được đánh giá đầy đủ của cơ quan khoa học.
Cấm bán các loài động vật hoang dã còn sống, đã chết hoặc mẫu vật của chúng là tang vật, vật chứng được tịch thu từ buôn bán, vận chuyển và săn bắt trái phép; khai thác và sử dụng với mục đích nghiên cứu khoa học, y học, giáo dục phải được quản lý và giám sát chặt chẽ theo các văn bản pháp luật hiện hành.
“Tất cả cơ sở nuôi giữ phải đánh dấu bằng thiết bị điện tử (gắn chíp) nhận dạng với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhằm quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả,” ông Thái khuyến nghị.
Tuy nhiên, trong khi chờ Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị định, Nghị quyết hay Chỉ thị, trước hết các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán động vật hoang dã công khai tại các chợ, điển hình như vùng “đặc khu” bán lậu chim trời Thạnh Hóa, tỉnh Long An; nghiêm cấm việc cung cấp chim, thú cũng như ăn thịt động vật hoang dã tại các nhà hàng…
Vị Giám đốc SVW cũng lưu ý, với những hậu quả do những đại dịch như SARS được cho là lây từ cầy hương, hay COVID-19 được nhận định khởi nguồn từ dơi đã và đang để lại cho toàn nhân loại, hành động lên tiếng bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế của đất nước là vô cùng cấp thiết.
“Việc ban hành Nghị quyết không chỉ giúp giảm các nguy cơ bệnh dịch truyền nhiễm mà còn khẳng định Việt Nam đã hành động nỗ lực và dứt khoát trong vấn đề nghiêm cấm buôn bán và sử dụng động vật hoang dã trái phép,” ông Thái nói thêm.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo chỉ thị ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp, hi vọng sẽ được thấy một Việt Nam không còn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong tương lai gần.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan Chính phủ sẽ nhất trí hành động trong việc thực thi pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Với cấp địa phương, nhất là Long An – nơi có vùng “đặc khu” bán lậu chim, thú hoang dã đã nhiều năm ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn, xử lý, ông Nguyên đề nghị lần này chính quyền tỉnh Long An “không nên hứa suông” mà thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, xóa bỏ điểm nóng buôn bán động vật hoang dã trái phép trước khi có “lệnh cấm” của Chính phủ, Quốc hội.
Ông Nguyên cũng khẳng định với những gì báo chí đã ghi nhận, phản ánh liên tiếp trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời điểm cả Việt Nam và hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đang gồng mình để chống dịch COVID-19; và cơ quan chức năng của Cục Kiểm lâm đã kiểm tra, chợ Thạnh Hóa đã và đang là điểm đến của nhiều loài động vật hoang dã bị săn bắt tại các khu bảo tồn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vậy nhưng, điều đáng lo hơn là “ít có nơi nào ở Việt Nam mà việc quảng cáo, buôn bán các loài động vật hoang dã lại được công khai, trắng trợn như ở đây. Kể cả khi lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ thì việc buôn bán vẫn diễn ra, ngang nhiên thách thức pháp luật,” ông Nguyên lưu ý.
Ngoài ra, “phải nói thêm rằng kể cả các loài được gọi là “thông thường” nếu duy trì việc săn bắt, buôn bán một cách tràn lan như hiện nay thì sớm muộn cũng sẽ bị cạn kiệt, tuyệt chủng. Hi vọng rằng tới đây, Chính phủ sẽ có hành động quyết liệt, nghiêm cấm việc săn bắt, buôn bán với tất cả các loài động vật hoang dã,” ông Nguyên nói và cho rằng “nếu lần này không xóa bỏ được điểm nóng Thạnh Hóa, có lẽ phải chờ đến một chuyên án của Bộ Công An.”/.
Theo nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đang được giao làm đầu mối hỏi ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan thực thi pháp luật và các đơn vị trong ngành để xây dựng và hoàn thiện soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.
Trên cơ sở thông tin phản ánh của Báo Điện tử VietnamPlus về hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã tại vùng “địa ngục chim trời” Thạnh Hóa và báo cáo về cuộc “truy quét bí mật” của Cục Kiểm lâm vừa triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có Văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An kiểm tra, làm rõ các hoạt động buôn bán trái phép, cũng như công tác kiểm tra lâm sản, kiểm dịch… tại chợ Thạnh Hóa.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), mức án cho các vi phạm với “động vật rừng” thông thường (chưa kể loài quý hiếm trong “sách đỏ”) cao nhất có thể lên tới 14 năm tù; mức phạt lên tới vài trăm triệu đồng. Với các loài quý hiếm như rái cá (mà loạt bài viết này đề cập), buôn một cá thể có thể phải chịu mức án từ 1-3 năm tù, còn buôn từ 8 cá thể trở lên, mức phạt cao nhất có thể là 10-15 năm tù.
Chống dịch Covid-19: Cục Kiểm lâm truy quét chợ chim lớn nhất nước
Bài 1: Đường đi của chim từ rừng xanh, trời cao… lên đĩa
Bài 2: Hé lộ “khối băng chìm” ẩn sau ‘đặc khu” bán lậu chim trời
Bài 3: Vùng “đặc khu chim trời”-Đã đến lúc cần phải xóa bỏ tận gốc
[Bài 4: ‘Số phận của đặc khu chim trời’ sau cuộc “truy quét bí mật”]
VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!