Việt Nam thắt chặt buôn bán ĐVHD bất hợp pháp nhằm ngăn đại dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT Việt Nam soạn thảo chỉ thị ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Tê tê buôn lậu từ Lào bị phát hiện trên xe khách ở Hà Tĩnh. (Ảnh: HANDOUT/AFP/Getty Images)

Chỉ thị này sẽ thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ các khu chợ buôn bán động vật hoang dã, tăng khả năng truy tố tội phạm bán hàng trực tuyến và gây áp lực lên hàng ngàn trang trại thương mại núp bóng nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã. Động thái của Việt Nam cũng tương tự như chính phủ Trung Quốc sau khi đại dịch virus corona chủng mới bùng phát.

Buôn bán động vật hoang dã cả “hợp pháp” và bất hợp pháp đều nở rộ ở Việt Nam. Có hàng ngàn khu chợ trên khắp cả nước và không ít các điểm chợ bày bán động vật làm thực phẩm hoặc thú cưng. Bất cứ ai đi bộ xung quanh một số quầy hàng bên đường ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể nhìn thấy những bể cá nhung nhúc rùa hoặc ếch.

Không chỉ giao dịch trực tiếp, buôn bán động vật trực tuyến cũng khá công khai. Nhiều người quảng cáo trên facebook, đăng tải ảnh mèo rừng bị mắc lưới, tê tê chết được bảo quản trong tủ đông, khỉ đuôi dài đã giết mổ, hổ đông lạnh, dơi đã giết thịt hoặc thậm chí cả động vật hoang dã mới thui. Động vật hoang dã được bán với mục đích làm thú cưng, ăn thịt, làm thuốc hoặc khoe mẽ địa vị.

Buôn bán trực tuyến động vật hoang dã diễn ra rất công khai, bao gồm cả các loài khỉ đuôi dài, hổ con, dơi hoặc thậm chí động vật bị thui sống. Động vật hoang dã bị bán làm thú cưng, ăn thịt, làm thuốc hoặc khoe mẽ địa vị. (Ảnh: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm trong buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam có lẽ là việc các trang trại thương mại núp bóng dưới hình thức nuôi nhốt hợp pháp để buôn lậu động vật. Bạn có thể tìm thấy những cá thể cầy bị ngược đãi trong những chuồng bằng kim loại hoặc cả đàn bò sát quý hiếm, thậm chí có những cơ sở nuôi nhốt bí mật hổ ở Nghệ An. Lạ là những chủ trang trại này có thể xoay sở giấy phép hợp pháp cho rất nhiều loài động vật, thậm chí xuất sang cả Trung Quốc.

Ngày 20/11/2019, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã điều tra một trang trại động vật hoang dã và tạm thời thu giữ 57 cá thể động vật thuộc 19 loài khác nhau, trong đó có hơn 10 loài được ưu tiên bảo vệ. Khung hình phạt dành cho hành vi vi phạm này có thể lên tới 15 năm tù.

Đáng chú ý là giao dịch trực tuyến ngày càng gia tăng vì người bán có thể giấu danh tính đồng thời tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Rất nhiều trang facebook rao bán ngà voi, sừng tê giác, vuốt gấu hoặc đăng ảnh động vật bị bắt hoặc giết mổ. Năm ngoái, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ghi nhận hơn 2.400 quảng cáo trực tuyến vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trên facebook, youtube, zalo cùng các nền tảng trực tuyến khác.

Nhằm góp phần ngăn chặn vấn nạn buôn bán động vật hoang dã, đồng thời hạn chế lây lan các đại dịch có nguồn gốc từ động vật, mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã cùng 13 tổ chức bảo tồn gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ kêu gọi đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT soạn chỉ thị khẩn về nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.

Một cá thể gấu ngựa ở Trung tâm cứu hộ gấu, VQG Tam Đảo (Ảnh:Minh Hoang/EPA)

Nhận định về phúc đáp này, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh phản hồi tích cực từ Thủ tướng với việc hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan liên quan soạn thảo chỉ thị cấm hoàn toàn việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ được thấy một Việt Nam không còn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong tương lai gần. Chúng tôi mong rằng các cơ quan chính phủ sẽ nhất trí hành động trong việc thực thi pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã”.

Các hành động cụ thể sẽ được đề cập chi tiết trong nội dung Chỉ thị được trình lên vào đầu tháng Tư. Và hiện 14 tổ chức đồng gửi thư ngỏ đang thúc đẩy việc đóng cửa các chợ động vật hoang dã, tăng cường kiểm soát buôn bán trực tuyến và chấm dứt cấp phép vận chuyển số lượng lớn động vật hoang dã.

Các tổ chức cho hay bất kỳ lô hàng đáng ngờ nào cũng nên báo cho lực lượng chức năng, đặc biệt cần tiến hành điều tra đối các vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã “hợp pháp” với số lượng lớn để xác định xem có liên quan đến hoạt động rửa tiền hay không. Nếu có bằng chứng phạm tội, các trang trại này có thể bị thu hồi giấy phép và nhận án tù tới 15 năm.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: