Suốt mấy chục năm nay, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của ngành chức năng, nạn săn bắt động vật hoang dã vẫn không ngừng diễn ra khắp những cánh rừng ở Bình Định.
Một thời tận diệt
Theo lời kể của của những người từng là thợ săn chuyên nghiệp, khoảng 40 năm trước đây, những cánh rừng ở Bình Định có rất nhiều động vật hoang dã. Đủ loài, từ voi, cọp, gấu, nai, heo rừng, sơn dương đến cheo, mang, chồn, tê tê…
Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, thịt động vật hoang dã còn là thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc miền núi và của những cư dân sống cạnh rừng, nên thú rừng chưa trở thành đối tượng săn bắt.
Từ thập niên 80 trở đi, khi thịt động vật hoang dã bỗng trở thành món “đặc sản” trong các nhà hàng sang trọng, có cầu ắt có cung, thế là chúng liền bị cánh thợ rừng săn bắt ráo riết. Bởi đã trở thành “đặc sản”, nên giá trị thú rừng ngày càng cao.
Theo đó, thu nhập của cánh thợ săn rất “ngất ngưởng” nên càng ngày thợ săn thú rừng xuất hiện càng nhiều. Mà thợ săn xuất hiện càng nhiều thì thú rừng ngày càng vắng bóng trong những cánh rừng.
Trải qua quãng đời làm báo, trong những chuyến công tác về rừng, tôi có không ít lần được gặp những thợ săn động vật hoang dã chuyên nghiệp. Những câu chuyện săn bắt thú rừng của của họ ám ảnh tôi đến mãi tận bây giờ.
Anh T.Q.T (61 tuổi), 1 người từng là thợ săn động vật hoang dã chuyên nghiệp ở xã Nhân Tân (TX An Nhơn, Bình Định), nhớ lại: Cách đây 40 năm trở về trước, trong những cánh rừng nằm bên kia hồ chứa nước Núi Một động vật hoang dã còn đầy, không thiếu loài nào. Cọp, gấu, voi, nai, sơn dương, heo rừng, cheo, mang, tê tê và chồn các loại.
Từ thập niên 80 (thế kỷ 20) trở đi, 1 bộ phận dân nhậu muốn “làm sang” nên khi vào nhà hàng thường kêu những món thịt rừng ăn cho “khác người”, lập tức thịt đông vật hoang dã trở thành đặc sản. Vậy là chúng bị săn bắt ráo riết.
Bây giờ, những cánh rừng bên kia hồ Núi Một hầu như vắng bóng các loài voi, nai, gấu, sơn dương bởi chúng đã bị tận diệt; chỉ còn lại heo rừng vì loài này sinh sản nhanh và các loài tê tê, chồn, cheo.
Theo anh T, ban đầu thợ săn thường “hạ thủ” thú rừng bằng súng, thế nhưng thịt thú chết bán được giá thấp nên về sau hầu hết thợ săn đều đặt bẫy để bắt được thú sống, bán nhiều tiền hơn.
Trước khi đặt bẫy, cánh thợ săn phải cơm ăn cơm dỡ đi dạo rừng trước cả 2 – 3 ngày. Nguy hiểm bủa vây, bởi lúc ấy rừng còn thú dữ nhiều.
Về đêm, trước khi ngủ, cánh thợ săn phải đốt những đống lửa to, tiếp củi thâu đêm để đống lửa không tắt nhằm ngăn thú dữ bén mảng đến.
Những ngày dạo rừng, cánh thợ săn phải vận dụng kinh nghiệm quan sát dấu chân thú để lại trong rừng để định vị vùng sẽ đặt bẫy. Sau đó, theo dấu chân thú, cánh thợ săn phát lối đặt bẫy dài cả 5 – 7 cây số, cứ cách 15 – 20m đặt 1 cái bẫy.
“Bẫy thú được người ta làm sẵn bán đại trà, mình chỉ mua rồi đi đặt. Thú bị dính bẫy sẽ bị các sợi dây thắng xe đạp cột chặt chân không thoát ra được. Đặt xong, cứ 1 ngày chúng tôi đi thăm bẫy 1 lần, có thú thì chia nhau vác về bán, hôm nào thú không dính thì về, hôm sau thăm tiếp.
Thời gian đầu, bẫy thú đặt ở vùng gần bìa rừng vẫn dính thú, càng về sau phải đặt bẫy tận rừng sâu mới có thú. Nghề này cực kỳ nguy hiểm nhưng hồi đó ham tiền quá tui cứ đeo bám. Lúc ấy mà bẫy được con tê tê là kiếm cả mấy chỉ vàng, bởi 1kg tê tê bán được đến 1 chỉ vàng.
Do có thu nhập cao nên hồi đó thợ săn xuất hiện dày đặc trong rừng. Săn bắt ráo riết khoảng 20 năm, đến khoảng năm 2007 – 2008 thì những cánh rừng bắt đầu vắng bóng thú”, anh T. bộc bạch.
Hết ráo riết, vẫn âm ỉ
Mặc dù hiện nay nạn săn bắt động vật hoang dã không còn ráo riết như trước đây, nhưng vẫn còn diễn ra khắp những cánh rừng, bởi nhu cầu “sang chảnh” của 1 bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tồn tại, nên món “đặc sản rừng” vẫn có giá trị cao.
Tìm hiểu qua 1 người chuyên mua lại thịt thú rừng từ các cơ sở cung ứng để đi bán lẻ cho các nhà hàng trên địa bàn Bình Định, chúng tôi được biết hiện thịt heo rừng tự nhiên chưa rút xương được đại lý bán với giá 280.000đ/kg, thịt đã rút xương bán giá 350.000đ/kg.
Còn thịt mang thì anh mua vào với giá 250.000đ/kg. Khi nào nhà hàng có nhu cầu, anh liên lạc với đại lý là được đáp ứng ngay.
Nếu gặp 1 đám giỗ “sang chảnh” muốn đặt cả con heo rừng vẫn có. Điều này chứng tỏ động vật rừng hiện vẫn không ngừng “chảy máu”.
Thông tin về tình hình khai thác động vật hoang dã trong những năm qua từ Chi cục Kiểm lâm Bình Định khẳng định thêm điều vừa nói trên.
Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong những năm qua, ngành kiểm lâm tỉnh này đã chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các ngành, hội đoàn thể các địa phương tổ chức tuyên tryền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đưa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã vào cuộc sống; đồng thời vận động cán bộ, công chức và người dân tránh vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp. Thế nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã.
Trong 3 năm gần đây, năm nào ngành chức năng Bình Định cũng bắt được 1 số vụ mua bán động vật hoang dã.
Ví như trong năm 2017, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 7 vụ mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật; tịch thu 4,5kg động vật rừng, gồm 2 cá thể cầy mực, 1 cá thể rắn ráo trâu, 1 cá thể kỳ đà vân và 34,3kg dúi nâu cùng 12kg thịt xương mang.
Năm 2018 phát hiện và xử lý 1 vụ vận chuyển động vật rừng trái pháp luật, tịch thu 17kg heo rừng.
Năm 2019 cũng phát hiện và xử lý 1 vụ tàng trữ động vật rừng với 1,8kg thịt nai, 4,9kg xương nai. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi những cơ sở tàng trữ, mua bán động vật hoang dã hoạt động rất tinh vi, hầu hết đều thoát khỏi sự kiểm soát của ngành chức năng.
Điều đặc biệt đáng mừng là công tác vận động người dân tự giác giao nộp động vật hoang dã bắt được để thả về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đã cho thấy hiệu quả.
Đơn cử trong năm 2017 đã có 3 hộ dân đến Chi cục Kiểm lâm Bình Định giao nộp 2 cá thể trăn đất thuộc danh mục loài thú nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Năm 2018 ngành kiểm lâm Bình Định tiếp tục tiếp nhận 3 cá thể cu li và 1 cá thể voọc chà vá chân nâu của người dân tự nguyện giao nộp.
Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong rừng đặc dụng An Toàn nằm trên địa bàn huyện An Lão còn rất nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm và nguy cấp như chà vá chân xám, chà vá chân đen, vượn má hung, khỉ mặt đỏ, nai, gà lôi vằn, mang lớn, trĩ sao…, đó là những đối tượng động vật hoang dã mà các thợ săn rất “thèm”, nhưng nhờ sự bảo vệ nghiêm ngặt của đơn vị chủ quản là Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn nên các loài thú quý hiếm ở đây vẫn được an toàn.
“Loài thú quý hiếm còn trong rừng đặc dụng An Toàn rất đa dạng, cánh thợ săn động vật hoang dã luôn dòm ngó nhưng chẳng thể săn bắt được chúng.
Bởi, cánh thợ săn chẳng thể qua mắt được những hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng từ Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, cứ hễ người dân phát hiện đối tượng lâm tặc hoặc thợ săn xuất hiện trong rừng là báo ngay để cơ quan chức năng tiến hành ngăn chặn. Hiện Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đã giao khoán cho người dân địa phương 7.000ha rừng, bình quân mỗi hộ 30ha. Hàng năm, mỗi hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhận được 40 triệu đồng từ khoản hỗ trợ của Nhà nước, 1 khoản tiền không nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nên họ toàn tâm toàn ý giữ rừng”, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, cho hay. |