Điểm lại một số đại dịch hoành hành trên thế giới

Thế giới đã chính thức bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-3 công bố bệnh nguy hiểm này là đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với một đại dịch.

Thiếu nước sạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến dịch bệnh tả liên tục bùng phát tại châu Phi. (Ảnh: Reuters)

WHO định nghĩa “đại dịch” là “sự lây lan toàn cầu của một bệnh mới”. Để làm rõ khái niệm này, WHO lấy thí dụ, một đại dịch cúm xảy ra khi một chủng virus cúm mới xuất hiện và lan ra khắp toàn cầu, và phần lớn người dân trên thế giới không có khả năng miễn dịch đối với chủng virus này.

WHO không đặt ra các tiêu chí cụ thể về mặt số liệu như số người tử vong, số ca mắc bệnh, số quốc gia chịu ảnh hưởng… để đưa ra quyết định công bố đại dịch. Đại dịch được công bố đồng nghĩa với việc nguy cơ lây lan bệnh dịch trong cộng đồng sẽ cao hơn, do đó các chính phủ và hệ thống y tế trên thế giới cần phải bảo đảm đã chuẩn bị cho kịch bản này.

Trong khi đó, theo Từ điển Dịch tễ học, “đại dịch là một dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới hoặc một khu vực rất rộng, vượt qua các ranh giới quốc tế và thường ảnh hưởng đến nhiều người”. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đưa ra định nghĩa tương tự, “đại dịch là một dịch bệnh đã lan rộng tại một vài quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến nhiều người”. Cũng theo CDC, khác với “đại dịch”, khái niệm “dịch bệnh” đề cập đến sự bùng phát bệnh ở khu vực nhất định thay vì lan rộng trên toàn cầu. Khi dịch bệnh bùng phát, số ca bệnh thường tăng đột ngột, cao hơn mức dự đoán.

Cúm A/H1N1

Lần gần đây nhất WHO công bố đại dịch là cách đây 10 năm, sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện một chủng cúm chưa từng xuất hiện trước đó trong cơ thể người. Đó là virus cúm A/H1N1 gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cúm A/H1N1. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng. Khác với cúm mùa thông thường, virus cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chủng virus cúm A/H1N1 này được phát hiện lần đầu vào tháng 4-2009 tại Mỹ và nhanh chóng lây lan khắp thế giới. Hai tháng sau, WHO đã công bố bùng phát đại dịch cúm toàn cầu. Sau khi đại dịch này chính thức chấm dứt vào tháng 8-2019, cúm A/H1N1 được coi là bệnh cúm mùa thông thường và đã có thuốc, vaccine phòng ngừa.

CDC ước tính, Mỹ đã ghi nhận gần 61 nghìn ca nhiễm và gần 12.500 ca tử vong do cúm H1N1, trong khi thế giới có đến 575.400 người tử vong vì đại dịch này.

Vào năm 1918, thế giới cũng từng hứng chịu đại dịch cúm do một chủng virus H1N1 gây ra, còn gọi là “cúm Tây Ban Nha”. Có tới 500 triệu người, tương đương 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ, mắc bệnh và khoảng 50 triệu người đã tử vong trong đại dịch này. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành rất cao. Ban đầu, đại dịch bùng phát tại châu Âu, Mỹ và một số khu vực ở châu Á, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp thế giới.

HIV/AIDS

HIV là một loại virus gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS). Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Cộng hòa Congo vào năm 1976. HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, qua việc truyền máu từ nguồn đã bị nhiễm bệnh, qua dùng chung kim tiêm với người nhiễm và lây từ mẹ sang con: trong giai đoạn mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú.

Theo số liệu do WHO công bố cuối năm 2019, kể từ khi dịch HIV/AIDS bùng phát, 75 triệu người đã nhiễm HIV và khoảng 32 triệu người đã tử vong vì virus gây chết người này. Tính đến cuối năm 2018, thế giới có 37,9 triệu người đang phải chung sống với HIV. Ước tính, hiện có khoảng 0,8% người ở độ tuổi 15-49 trên toàn cầu nhiễm HIV. Châu Phi là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Cứ trong 25 người trưởng thành tại châu Phi thì lại có một người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV tại “lục địa đen” chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm trên thế giới.

Đến nay, HIV vẫn là vấn đề y tế cộng đồng lớn của toàn thế giới. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp ngăn chặn, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV hiệu quả, thế giới có thể kiểm soát tốt hơn đại dịch này và người nhiễm HIV có cơ hội sống khỏe mạnh và lâu hơn. Dù vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm cho người nhiễm HIV nhưng các nhà nghiên cứu đã sáng chế loại thuốc ARV có khả năng làm giảm sự sinh sôi, nảy nở của HIV trong cơ thể người.

Bệnh tả

Nhiều người nghĩ rằng bệnh tả là căn bệnh của thế kỷ 19, tuy nhiên, WHO cho rằng điều này chỉ đúng với các quốc gia có thu nhập cao. Ở nhiều nước khác, bệnh tả vẫn chưa được đẩy lùi. Đại dịch tả lần thứ bảy (bùng phát từ năm 1961 và kéo dài đến nay) đã trở thành đại dịch dai dẳng nhất trên thế giới.

Năm 2017, các đợt bùng phát bệnh tả đã làm rung chuyển hàng loạt nước châu Phi như Congo, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Tanzania, Uganda, Zimbabwe… Mỗi năm có khoảng 2,9 triệu người mắc bệnh tả và 95 nghìn người tử vong vì bệnh này. Hiện, bệnh tả vẫn xuất hiện tại hơn 47 quốc gia trên thế giới. Riêng tại châu Phi, hơn 40 triệu người đang sống trong các điểm nóng về bệnh tả, tức là những nơi dịch tả thường xuyên xảy ra. WHO đã đưa ra các nguyên nhân khiến bệnh tả bùng phát nhiều lần, trong đó có: biến đổi khí hậu, xung đột kéo dài, di cư bắt buộc, quá trình đô thị hóa, dân số tăng, hạn chế trong tiếp cận y tế. Nhưng về cơ bản, bệnh tả là hậu quả của việc thiếu nước nước sạch và không bảo đảm vệ sinh.

Cúm châu Á

Theo CDC, một chủng virus cúm A mới đã xuất hiện tại Đông Á vào năm 1957, sau đó virus này làm bùng phát đại dịch cúm A/H2N2, hay còn gọi là “cúm châu Á”. Virus “cúm châu Á” được phát hiện lần đầu tại Singapore vào tháng 2-1957 và hai tháng sau được ghi nhận tại Hồng Công (Trung Quốc) và tại các thành phố ven biển của Mỹ vào mùa hè năm 1957. WHO ước tính, bệnh này đã cướp đi tính mạng của khoảng hai triệu người trên toàn thế giới và riêng tại Mỹ là 69.800 nghìn người.

Bệnh dịch hạch

Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều lần dịch hạch bùng phát, tuy nhiên, đại dịch xảy ra vào thế kỷ 14 thường được biết đến với tên gọi “cái chết đen” là đợt bùng phát kinh hoàng nhất với đỉnh điểm là tại châu Âu từ năm 1346 đến 1351. Dịch bệnh bắt nguồn từ châu Á, sau đó mầm bệnh theo đoàn người di cư, thương nhân và các đoàn lữ hành đi về phía tây rồi nhanh chóng lây lan sang khắp châu Âu và châu Phi. Từ năm 1346 đến 1353, ước tính có khoảng 75 đến 200 triệu người tại châu Á, châu Âu và châu Phi chết vì bệnh này.

Trong cuốn “Cái chết đen, 1346-1353: Lịch sử hoàn chỉnh” (Nhà xuất bản Boydell Press (Anh), năm 2018), tác giả Ole Jorgen Benedictow ước tính 50-60% dân số châu Âu đã bị xóa sổ trong “cái chết đen”, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1/3 thường được nhắc đến. Cũng theo tác giả Benedictow, bệnh này tiếp tục tấn công châu Âu, Trung Đông trong bốn đợt dịch tiếp theo (năm 1361-1363, 1369-1371, 1374-1375, 1390), và thậm chí trong bốn thế kỷ tiếp theo, cứ sau chu kỳ 10-20 năm, dịch bệnh lại quay lại một lần.

Theo trang LiveScience, khi các nhà sử học thảo luận về bệnh dịch hạch, họ thường nhắc tới bệnh dịch hạch thể hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Bệnh dịch hạch lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm (chuột, thỏ…) sang người qua vật trung gian là bọ chét.