Theo đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2016 – 2030”của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu héc-ta. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, Tây Nguyên có tốc độ suy giảm rừng khá nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng với tổng diện tích có rừng giảm 312.416 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, tỷ lệ rừng giàu chỉ còn 10,4%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m³ (tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng)…
Gia tăng tình trạng phá rừng
Những năm gần đây, tình trạng phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 phát hiện 4.114 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 397,22 ha. Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm 2019 đã có đến 1.185 vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại là 255,27 ha.
Riêng tại tỉnh Ðắk Lắk, năm 2019 và quý I-2020, lực lượng chức năng phát hiện 1.359 vụ vi phạm, tịch thu gần 2.000 m3 gỗ, xử lý hình sự 23 vụ với 34 bị can; tại Gia Lai, năm 2019, phát hiện 476 vụ, riêng hai tháng đầu năm 2020, phát hiện 61 vụ…
Cá biệt, chỉ trong hai tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, lợi dụng thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều vụ phá rừng liên tục xảy ra bị cơ quan chức năng phát hiện.
Có thể kể ra đây một số vụ điển hình: Ngày 12-12-2019, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ðắk Lắk và Công an huyện M’Drắk phát hiện vụ phá rừng tại tiểu khu 819A (thuộc thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Drắk). Tại đây, nhiều cây gỗ rừng tự nhiên đã bị khai thác xẻ thành hộp vuông vắn và vận chuyển đi. Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác phát hiện bên địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có bãi tập kết gỗ lậu lớn và 10 đối tượng lâm tặc đang ở trong một lán trại gần đó.
Cơ quan Công an xác định tổng khối lượng gỗ được kiểm đếm tại hiện trường khoảng 24 m3. Cũng ở Ðắk Lắk, ngày 20-12-2019, Công an huyện Ea Súp bắt giữ năm đối tượng trong nhóm 10 đối tượng bị phát hiện có hành vi phá rừng thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Ðôn.
Trong ngày 16-12-2019, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại tiểu khu 387, xã Ðắk Hrinh (huyện Kon Plông). Tại hiện trường, số gỗ đã bị cưa xẻ thành 101 hộp, khối lượng 7,569 m³ (nhóm III, tương ứng 12,110 m³ gỗ quy tròn). Toàn bộ số gỗ bị khai thác là rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất, thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông.
Trước đó, vào tháng 11-2019, một vụ phá rừng với quy mô lớn cũng xảy ra tại rừng đặc dụng Nam Ka thuộc địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Ðắk Lắk) thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka.
Là rừng đặc dụng cho nên số cây rừng bị chặt hạ có đường kính khá lớn, từ 40 cm đến 1,5 m. Ðiều đáng nói, theo phản ánh của người dân, việc phá rừng tại khu vực rừng đặc dụng Nam Ka đã diễn ra trong các năm trước. Tại Gia Lai, cuối tháng 12-2019, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng tại làng Tar, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ðoàn kiểm tra liên ngành đếm được 45 gốc cây với khối lượng gần 30 m3. Không những bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép, rừng cộng đồng tại làng Tar còn bị xâm lấn nghiêm trọng.
Ðiều đáng nói hơn, diện tích đất rừng bị phá và lấn chiếm tại đây nằm trong Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái (gọi tắt là dự án KfW10) được triển khai trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai. Trong đó, huyện Mang Yang được tỉnh Gia Lai giao thực hiện thí điểm tại hai xã Kon Chiêng và Lơ Pang với kinh phí hơn 8 tỷ đồng để quản lý 3,2 ha rừng.
Mới đây nhất, đầu tháng 3-2020, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện vụ khai thác lâm sản trái phép thuộc lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, thuộc địa bàn làng Bya, xã Sró, huyện Kông Chro (Gia Lai). Khám nghiệm hiện trường, các đơn vị chức năng xác định có 12 cây gỗ dổi bị chặt hạ (có 11 cây đã bị cắt khúc) với tổng khối lượng hơn 15 m3 và 2,4 ster củi. Theo xác định, đây là loại rừng phòng hộ đầu nguồn.
Càng nóng hơn, khi các vụ phá rừng bị phát hiện, các đối tượng đã không ngần ngại tiến công gây thương tích cho lực lượng kiểm lâm. Ngày 19-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Mang Yang (Gia Lai) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Phạm Từ Phương (SN 1989, trú tại làng Git, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) về hành vi chống người thi hành công vụ. Phương là đối tượng đã có hành vi lăng mạ, tiến công, gây thương tích hai cán bộ kiểm lâm khi bị phát hiện đang vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn xã Kon Chiêng vào ngày 5-2.
Trước đó, Công an huyện Ea Súp (Ðắk Lắk) đã bắt giữ bảy đối tượng trong nhóm lâm tặc dùng dao và gậy tiến công anh Ngô Lê Nhật Tiến (Trạm phó Kiểm lâm số 7) và anh Nguyễn Văn Triều (Kiểm lâm viên Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng).
Cần những giải pháp mạnh
Chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ có từ năm 2016. Tuy nhiên có một thực tế là, càng đóng, rừng lại càng mất. Ðây là một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Có một điều khiến dư luận băn khoăn là những năm gần đây rừng bị phá nhiều, tăng cả tính chất, quy mô và thủ đoạn nhưng đáng lo ngại hơn, ngoài những đối tượng phá rừng là bọn đầu nậu, coi thường luật pháp, liều lĩnh… thì vẫn có những cá nhân, đơn vị vốn được Nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ, tái tạo, phát triển rừng lại tham gia phá rừng. Cụ thể hơn, chính là các ban quản lý rừng, cán bộ kiểm lâm hay chính quyền xã.
Hiện, tỉnh Gia Lai có 22 ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ gần 330.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Ðược chuyển đổi từ các lâm trường quốc doanh, các BQLRPH tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chủ trương của Chính phủ. Thế nhưng, hoạt động của các BQLRPH này đang cho thấy có nhiều bất ổn, thanh tra đến đâu sai phạm đến đó.
Năm 2018, qua thanh tra tại 10 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng (gồm 7 ban quản lý rừng và 3 công ty lâm nghiệp) lực lượng chức năng phát hiện 5.100 ha rừng bị mất; hàng chục nghìn mét vuông đất được hợp thức hóa thành đất của cán bộ, nhân viên ban quản lý; hàng chục tỷ đồng ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đã bị làm chứng từ khống, có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi.
Ðáng kể, trong số này, BQLRPH Bắc Biển Hồ để mất hơn 2.400 ha rừng, sử dụng trái phép gần 95.000 m2 đất lâm nghiệp và có dấu hiệu tham nhũng, để ngoài sổ sách gần 2,5 tỷ đồng; BQLRPH Ia Grai để mất gần 400 ha rừng, gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng, giả mạo chữ ký trong việc giao khoán trồng rừng để trục lợi gần 7 tỷ đồng; BQLRPH Bắc An Khê để rừng bị mất, bị lấn chiếm hơn 1.266 ha; BQLRPH Ya Hội để mất, bị xâm canh hơn 800 ha. BQLRPH Ayun Pa để mất hơn 500 ha rừng và chi sai hơn 1,6 tỷ đồng; BQLRPH Ðăk Ðoa bị phát hiện với số tiền chi sai hơn 5,4 tỷ đồng; BQLRPH Ia Grai có dấu hiệu tham nhũng số tiền 16,5 tỷ đồng.
Tại tỉnh Ðắk Nông, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2018, trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh Ðắk Nông đã thu hồi 113.346 ha đất, rừng của các nông, lâm trường giao cho các ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia…
Việc suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng của rừng ở Tây Nguyên đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu, gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và nguy cơ sa mạc hóa trên địa bàn. Thực trạng của những vụ phá rừng trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô, mức độ vi phạm; đồng thời cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống tổ chức và trách nhiệm của những đơn vị được Nhà nước giao quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Nếu chính quyền, các cơ quan chức năng không có những biện pháp mạnh; những quyết sách mới về công tác quản lý, bảo vệ rừng thì nhiều nguy cơ diện tích rừng cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng đã, đang và sẽ còn bị thu hẹp.