Châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, với Italy là “ổ dịch” lớn nhất với 2.158 người tử vong trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh theo số liệu cập nhật mới nhất.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, với Italy là “ổ dịch” lớn nhất với 2.158 người tử vong trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh theo số liệu cập nhật mới nhất.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới
Cùng với Italy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha cũng đang tăng rất nhanh, lên 8.744 người so với con số 7.753 người một ngày trước đó, trong khi số người tử vong tăng lên 297 người so với 288 người hôm 15/3.
Theo chính phủ Tây Ban Nha, chỉ trong vòng một ngày qua, tại nước này đã có gần 1.000 ca mới mắc COVID-19. Xứ Basque của Tây Ban Nha đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra ngày 5/4 do lo ngại dịch bệnh.
Tại Pháp, tính đến tối 16/3, Pháp xác nhận 1.210 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.
Tính đến ngày 16/3, đã có 39 trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Hungary, trong đó có 1 trường hợp đã phục hồi và 1 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp – điều chưa từng có trong lịch sử Hungary 30 năm qua.
Cùng ngày, Hà Lan đã xác nhận thêm 278 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.413 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong của nước này đã tăng từ 20 lên 24 người.
Tính đến thời điểm này, trên cả nước Đức ghi nhận 6.612 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern 4 ca tử vong.
Chính phủ Armenia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 16/3, nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận 30 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi có hơn 300 người phải cách ly. Toàn bộ trường học và cửa khẩu biên giới với Gruzia và Iran đều đã đóng cửa.
Theo Reuters, Bộ Y tế Campuchia ngày 17/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên 24 người.
Hôm 15/3, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chỉ đạo khẩn một số biện pháp ngăn ngừa, chống lây lan dịch tại nước này, gồm ban hành Hướng dẫn người dân không đi đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không có việc cấp bách.
Ngày 16/3, Chính phủ Cuba đã xác nhận thêm một trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên 5 người.
Bộ trưởng Y tế Cuba José Angel Portal Miranda cho biết bệnh nhân mới là một người đàn ông 63 tuổi tại thủ đô La Habana, trở về Tây Ban Nha hôm 8/3 và bắt đầu có các triệu chứng mắc bệnh 3 ngày sau đó. Bộ trưởng Cuba cho hay hiện bệnh nhân này vẫn trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Cuba ghi nhận 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 11/3, hiện “hòn đảo tự do” vẫn khẳng định sẽ tiếp nhận du khách từ mọi nơi trên thế giới. Cùng ngày, Ngoại trưởng Cuba thông báo nước này đã cho phép một du thuyền của Anh chở hơn 1.000 người với 5 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cập cảng nước này để hỗ trợ vận chuyển người bệnh về nước theo đề nghị của London.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này đã xác nhận thêm 12 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 18 trường hợp. Đây là số ca tăng mạnh nhất trong một ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các ca nhiễm mới có 2 trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này, 7 người tới từ châu Âu và 3 người tới từ Mỹ.
Hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới, ngừng các hoạt động công cộng
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các hoạt động cầu nguyện quy mô lớn tại các đền thờ. Tuy nhiên, các đền thờ này sẽ vẫn mở cửa cho những người cầu nguyện riêng.
Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch COVID-19. Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ cho các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.
Tổng thống Emmanuel Macron tối cùng ngày đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố từ 0h00 ngày 17/3 đóng cửa biên giới đối với tất cả các loại phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ có công dân Hungary mới được phép nhập cảnh.
Hungary cũng cấm tất cả các sự kiện, hoạt động công cộng, trong khi các quán rượu, rạp chiếu phim và các cơ sở văn hóa khác cũng sẽ bị đóng cửa. Các nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng chỉ được phép mở cửa đến 15h00. Sau 15h00, chỉ có các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc và cửa hàng dược mỹ phẩm được phép mở cửa.
Thụy Sỹ đã hủy phiên họp Quốc hội trong bối cảnh chính phủ nước này triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với dịch COVID-19 đang có dấu hiệu nguy cấp tại nước này khi chỉ trong 1 ngày, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein tăng 50%, lên 2.200 ca.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định đóng cửa các trường học trên cả nước trong vài tuần, đưa ra các biện pháp kiểm tra y tế tại cửa khẩu, nghiêm cấm mọi sự kiện tụ tập, hội họp như một phần trong những nỗ lực để bảo vệ công dân nước này, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người cao tuổi.
Ngày 16/3, Hy Lạp đã quyết định sẽ cách ly 14 ngày tất cả các đối tượng từ nước ngoài đến nước này và lệnh cấm đóng cửa toàn bộ các cửa hàng bán lẻ sẽ có hiệu lực từ ngày 18/3. Siêu thị, hiệu thuốc, dịch vụ giao thực phẩm sẽ được miễn trừ thực hiện quy định mới này.
Tại Đức, Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này. Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chính quyền bang Baden-Wuertemberg tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ các chuyến bay trong không phận của bang này do COVID-19.
Còn tại Gruzia, ngày 16/3, chính phủ nước này đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3. Gruzia hiện đã ghi nhận 33 nhiễm virus SARS-CoV-2. Có 2 bệnh nhân đã hồi phục và hiện có 637 người tham gia cách ly. Cùng với lệnh cấm nhập cảnh trên, Gruzia đã đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ dưỡng mùa Đông, trong khi khuyến cáo các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đóng cửa.
Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng.
Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người.
Theo một số nguồn tin được truyền thông sở tại đăng tải, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm sóc trong 4 tháng. Hiện đã có tổng cộng 35 ca tử vong do dịch COVID-19 tại Anh trong số hơn 1.500 ca nhiễm.
Hiện tất cả các bộ ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24 giờ để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 142 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với người đến từ Hàn Quốc.
Ngày 16/3, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo về đi lại ở mức vàng – mức cao thứ ba trong thang cảnh báo gồm 4 mức – đối với 36 nước ở khu vực Tây và Trung châu Âu, theo đó kêu gọi công dân Hàn Quốc hạn chế đến những nước này do lo ngại lây nhiễm trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở châu Âu.
Trong danh sách này có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), 16 nước khu vực Schengen, trong đó nhiều nước cũng là thành viên EU, ngoài ra còn có Andorra, Anh, Monaco, San Marino và Thành phố Vatican. Trước đó, Hàn Quốc đã đưa ra mức cảnh báo tương tự đối với 5 vùng ở Italy.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 16/3 tuyên bố tạm hoãn tất cả các cuộc họp của đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Ramaphosa – đồng thời là Chủ tịch ANC – cho biết quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp cùng ngày của Ủy ban thường trực ANC bàn về các giải pháp ứng phó trước sự bùng phát của dịch COVID-19. Nam Phi đã ghi nhận 62 ca mắc COVID-19 kể từ khi công bố ca đầu tiên hôm 5/3.
Tổng thống Ramaphosa cho biết ông cũng sẽ tổ chức họp sớm với lãnh đạo các đảng đối lập tại thành phố Cape Town (Kếp Thao) để cùng chung tay đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn dịch COVID-19.
Trước đó, tối 15/3, Tổng thống Nam Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bùng phát dịch COVID-19, theo đó áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối toàn bộ những người đến từ các quốc gia có dịch COVID-19, cấm các sự kiện có sự tham dự của trên 100 người và đóng cửa tất các các cơ sở giáo dục từ ngày 18/3 đến giữa tháng 4.
Những biện pháp tương tự cũng được Chính phủ Sudan đưa ra nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Sudan ngày 16/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế tại nước này, đồng thời đóng cửa tất cả các sân bay, đường biên giới trên bộ, trên biển, ngoại trừ các công tác liên quan hoạt động nhân đạo.
Cho đến nay, Sudan đã ghi nhận một trường hợp tử vong do COVID-19 là 1 người đàn ông 50 tuổi, đã từng lưu trú tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – quốc gia đã phát hiện hàng chục trường hợp nhiễm bệnh. Ngày 12/3, Khartoum đã công bố một loạt biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có đóng cửa biên giới trên đất liền với Ai Cập, tạm dừng khai thác các chuyến bay thương mại đi và đến từ Ai Cập, Trung Quốc, Iran, Italy, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Hội đồng Bộ trưởng Sudan cũng khuyến cáo công dân nước này không đi du lịch đến các quốc gia kể trên, đồng thời không tham gia những sự kiện tập trung đông người. Chính phủ Sudan yêu cầu Bộ Y tế, các trung tâm y tế của Bộ Quốc phòng chuẩn bị các địa điểm kiểm dịch, đặt tại các sân bay và các cửa khẩu trên đất liền. Cũng trong ngày 16/3, quân đội Sudan tuyên bố các học viện thuộc Bộ Quốc phòng cho học viên nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Cũng trong ngày 16/3, Chính phủ Cộng hòa Chad đã quyết định đóng cửa các sân bay trong 2 tuần kể từ ngày 19/3 để ngăn ngừa sự xâm nhập và lây lan của virus SARS-CoV-2. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các chuyến bay thương mại chở hành khách.
Biên giới trên đất liền của Cộng hòa Chad vẫn tiếp tục được mở, ngoại trừ những cửa khẩu tiếp giáp Sudan và Cộng hòa Trung Phi – vốn bị đóng từ trước khi bùng phát dịch COVID-19 do tình trạng xung đột. Hiện Cộng hòa Chad chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại nước này đang có khoảng 465.000 người tị nạn, chủ yếu là công dân Sudan. Nhà chức trách Cộng hòa Chad yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và hạn chế đi lại tại các tại tị nạn.
Dư luận lo ngại nguy cơ các loại dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 bùng phát tại Cộng hòa Chad – do tình trạng yếu kém của hệ thống y tế cộng đồng. Trước đó, đợt dịch sởi bùng phát trong năm 2019 đã cướp đi sinh mạng của 255 người dân nước này.