Một số nước châu Âu ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng trên thế giới, nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhân viên kiểm dịch phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay Liszt Ferenc ở Budapest, Hungary ngày 5/2/2020. (Ảnh: AFP)

Chính phủ Armenia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 16/3, nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này.

Theo giới chức Armenia, tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận 30 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi có hơn 300 người phải cách ly.

Toàn bộ trường học và cửa khẩu biên giới với Gruzia và Iran đều đã đóng cửa.

Tại Gruzia, ngày 16/3, chính phủ nước này đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3.

Gruzia hiện đã ghi nhận 33 nhiễm virus SARS-CoV-2. Có 2 bệnh nhân đã hồi phục và hiện có 637 người tham gia cách ly.

Cùng với lệnh cấm nhập cảnh trên, Gruzia đã đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ dưỡng mùa Đông, trong khi khuyến cáo các nhà hàng, quán càphê và quán bar đóng cửa.

Cùng ngày, Hungary đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất tuyên bố đóng cửa biên giới nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cùng với biện pháp mạnh mẽ này, Hungary quyết định cấm mọi sự kiện tổ chức tại địa điểm công cộng từ đêm 16/3.

Các nhà hàng và quán càphê chỉ được phép mở cửa đến 3 giờ chiều. Những công dân trên 70 tuổi được khuyến nghị không nên rời nhà.

Hiện, Hungary ghi nhận 39 ca nhiễm virus và 1 ca tử vong.

Ukraine và Slovakia trước đó cũng đã thông báo đóng cửa biên giới.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới đường bộ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát biên giới đơn phương mà một số nước châu Âu đã triển khai để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trong Khối tự do đi lại Schengen.

Dự kiến, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với mục tiêu đề ra chương trình hành động chung nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 hiện nay trong bối cảnh châu Âu theo đánh giá của Tổ chức Y tế  thế giới (WHO), đã trở thành tâm dịch mới trên toàn cầu.

Nguồn: