Sau 7 ngày ra mắt, ứng dụng khai báo y tế toàn dân đã đạt 330.000 lượt tải về và có 1.894 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm dịch.
Thông tin từ đội ngũ phát triển ứng dụng NCOVI (ứng dụng khai báo y tế toàn dân) cho hay tính đến sáng 15/3, đã có 234.577 người đăng ký khai báo sức khỏe tự nguyện và có gần 50.000 lượt đăng ký bản ghi theo dõi sức khỏe.
Về tự điều tra dịch tễ, đội ngũ phát triển ứng dụng cho biết có hơn 1.200 người khai đã tiếp xúc với người bệnh, 1.651 người khai đi về từ vùng dịch và gần 1.200 người khai tiếp xúc với người về từ vùng dịch.
Ứng dụng cũng nhận được 1.894 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm xung quanh mình.
Như vậy, chỉ sau 7 ngày ra mắt (từ 9/3), ứng dụng NCOVI đã đạt gần 330.000 lượt tải về ở trên cả 2 nền tảng là Android và iOS (trên thiết bị thông minh của Android là 230.000, trên iOS là 100.000).
Trước đó, chiều 9/3, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Y tế ra mắt ứng dụng (NCOVI) hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Với ứng dụng này, người dân có thể tự khai báo y tế tại nhà bằng điện thoại và máy tính bảng thông minh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc khai báo y tế toàn dân là không bắt buộc, nhằm tương tác 2 chiều giữa người dân với cơ quan y tế. Các thông tin về sức khỏe người dân sẽ được chuyển cho các cơ quan y tế, được đơn vị có thẩm quyền quản lý và chỉ được sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch bệnh.
Ứng dụng có các mục chính như khuyến cáo của Bộ Y tế, báo cáo liên hệ, thông tin dịch bệnh, hỏi đáp. NCOVI cũng có các biểu mẫu để người dùng khai như tự đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19, báo cáo ca bệnh nghi ngờ, bản đồ lây nhiễm.
Ngoài ra, người dân sẽ có bảng khai các bệnh lý nền và nguy cơ lây nhiễm. Từ đó, các cơ quan y tế sẽ sàng lọc, những người nào có bệnh nền mà có nguy cơ cao lây nhiễm, sẽ được theo dõi, giám sát kỹ hơn.
Về lo ngại việc một số người dùng cung cấp thông tin sai, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, cho rằng đơn vị tiếp nhận thông tin luôn có cách xác thực lại thông tin. Trường hợp có nhiều người uy tín cùng phản ánh, xác suất đúng sẽ cao và chỉ khi xác minh được phản ánh đó đúng 100% thì mới công bố.