“Còn mẹ ăn cơm với cá”. Từ ngàn đời, mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng người Việt bằng nguồn cơm và cá ngon lành của mình. Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mang lại gần 60% lúa và 40% thủy sản cho cả nước. Một mảnh đất chỉ chiếm khoảng 1/8 diện tích cả nước đang là lao động chính cung cấp bữa cơm cho gia đình đất nước Việt Nam. Và theo các dự báo khoa học thì trong vòng từ 50 đến 100 năm nữa, mảnh đất đó có nguy cơ nằm dưới mực nước biển 1 mét, do tác động của biến đổi khí hậu. Diễn đạt điều này theo góc nhìn bi quan nhất thì hơn 17 triệu dân ĐBSCL sẽ không còn đất sống, người Việt sẽ phải lăn lộn tìm nguồn cơm và cá khác.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ chừng mực hơn thì biến đổi khí hậu sẽ đem lại các hệ quả kinh tế gì cho ĐBSCL và cả nước? Các hiện thực trước mắt, mặc dù nhẹ nhàng hơn viễn cảnh không còn đất sống trong 100 năm nữa, nhưng vẫn tạo ra những cơn đau đầu không hề nhẹ với người dân và nhà quản lý.
Báo chí liên tục đưa tin các đợt triều cường cuối năm 2019 đang xâm chiếm Cần Thơ, Rạch Giá, Long Xuyên và nhiều đô thị khác của đồng bằng.
Đầu năm 2020, người dân ĐBSCL lại chứng kiến các đợt xâm nhập mặn vào đến hơn 100 km sâu trong đất liền. “Hơn 5000 ha lúa đông xuân của tỉnh Bến Tre có nguy cơ mất trắng vì nước mặn” là một tin tức điển hình về biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam. Sẽ không chính xác nếu tờ báo xếp tin này vào mục môi trường. Cần đưa vào mục kinh tế – xã hội.
Biến đổi khí hậu tạo ra các tác động kinh tế xã hội sâu rộng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung-cầu hàng hóa và dịch vụ của hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm năng suất lao động.
Triều cường và ngập mặn làm thiệt hại cơ sở hạ tầng nông nghiệp và khu vực đô thị. Biến đổi khí hậu cũng làm biến đổi hệ sinh thái rừng và đất ngập nước, mà hệ sinh thái này chính là mạch sống của ĐBSCL, cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, giảm thiệt hại do thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong đánh giá tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, viễn cảnh cả đồng bằng chìm trong nước biển sau 100 năm gây ấn tượng mạnh, dễ làm người ta quên các tác động từ từ nhưng dai dẳng lâu dài. Sự thay đổi khí hậu trong từng năm, tác động làm biến đổi các khu vực kinh tế khác nhau mới là viễn cảnh thực tế chúng ta cần xem xét.
Nước biển dâng và triều cường sẽ là nguy cơ biến đổi khí hậu lớn nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long1. Nước biển dâng gây hiện tượng nhiễm mặn trên diện rộng, triều cường làm ngập lụt đô thị ngày càng nặng nề, các cơn bão xuất hiện thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn sẽ là mối đe dọa mới với ĐBSCL, nơi mà người dân trong nhiều trăm năm đã quen, đã thiết kế cuộc sống và sản xuất của mình dựa trên niềm tin “mưa thuận gió hòa”. Ở mức độ thấp hơn các hiện tượng thời tiết bất thường và bão cũng là những mối đe dọa khí hậu đang tăng lên theo thời gian. Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi ở ĐBSCL cũng đóng góp làm thay đổi các hoạt động kinh tế của con người.
Như vậy, đến năm 2050, nếu vẫn án binh bất động không có biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiệt hại này với nuôi cá tra sẽ tăng lên gần 9 triệu đồng/ha/năm, và với nuôi tôm sẽ đạt tới con số thiệt hại rất lớn: 950 triệu đồng cho một ha trong một năm. |
Ảnh hưởng với nông nghiệp
Biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất nông nghiệp qua ba kênh: tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa và nước biển dâng. Nhiệt độ tăng, đặc biệt các đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa giảm vào mùa khô, mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng đến vòng đời sinh thái của cây trồng, vật nuôi từ đó làm thay đổi sản lượng. Thay đổi nhiệt độ và lượng mưa cũng làm tăng khả năng nhiễm bệnh của vật nuôi và con người, làm tăng nguy cơ xuất hiện và phân tán dịch bệnh. Nước biển dâng làm mất đất canh tác và tạo ra hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong hệ thống thủy lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp.
Các mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL do Ngân hàng thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho thấy sản xuất nông nghiệp ĐBSCL chịu tác động lớn nhất từ ngập lũ và nước biển dâng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, xâm nhập mặn đến sớm và gia tăng mức độ, tác động trực tiếp đến hoạt động nông nghiệp ngay cả ở các địa phương ở sâu trong nội đồng.
Tuy tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của ĐBSCL đang giảm dần từ 48% năm 2005 đến nay còn khoảng 28%, nông nghiệp vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kinh tế ĐBSCL, tạo ra việc làm và thu nhập cho bộ phận lớn dân cư của đồng bằng. Do đó tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực nông nghiệp dưới khía cạnh kinh tế sẽ kéo theo hệ quả rất lớn ở khía cạnh xã hội, văn hóa, giáo dục, hay y tế.
Cho đến nay lúa gạo vẫn là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp ĐBSCL. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới1, thì với kịch bản nước biển dâng 50cm vào năm 2050, ngập nước làm thiệt hại 193,000 ha và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 294,000 ha lúa ở ĐBSCL. Thiệt hại hơn 500,000 ha diện tích trồng lúa này tương đương với khoản tổn thất 2.6 triệu tấn lúa/năm, hay 13% sản lượng lúa của đồng bằng, nếu chính quyền và người dân không có chiến lược và thực hiện hành động thích ứng nào.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở đây, với hi vọng kéo theo thay đổi trong tốc độ tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập của người dân. Tuy nhiên ngay cả khi quyết định chuyển từ tập trung vào lúa gạo sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL vẫn chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn làm giảm năng suất nuôi thủy sản. Nhiệt độ tăng làm tăng khả năng phát sinh dịch bệnh cho tôm cá nuôi. Triều cường, giông lốc, ngập úng làm hư hỏng hạ tầng sản xuất như ao nuôi và các thiết bị nuôi.
Ngân hàng thế giới cũng đã ước tính, hiện tại mỗi hecta nuôi cá tra chịu tổn thất giá trị khoảng 3 triệu đồng/năm, nuôi tôm là 130 triệu đồng/năm. Như vậy, đến năm 2050, nếu vẫn án binh bất động không có biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiệt hại này với nuôi cá tra sẽ tăng lên gần 9 triệu đồng/ha/năm, và với nuôi tôm sẽ đạt tới con số thiệt hại rất lớn: 950 triệu đồng cho một ha trong một năm.
Tác động đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng
Ở mức độ toàn cầu, báo cáo của IPCC3 dự đoán đến năm 2060, nếu tiếp tục tốc độ thải khí nhà kính như hiện nay, thì GDP toàn cầu có thể bị sụt giảm từ 1.0% đến 3.3% do biến đổi khí hậu. Với ĐBSCL và Việt Nam, Ngân hàng Thế giới1 dự báo con số này vào khoảng 2.3%, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính lạc quan hơn, khoảng 0.7% giảm trong GDP.
Nhưng điều đáng lo ngại là nhóm bị tác động kinh tế lớn nhất do biến đổi khí hậu lại là người nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhóm 25% người nghèo nhất được dự báo là sẽ bị biến đổi khí hậu làm giảm 4.5% chi tiêu, trong khi nhóm giàu nhất chỉ chịu tác động giảm 0.6%. Ở nông thôn, nhóm nghèo nhất bị giảm chỉ tiêu 6.5%. Nghĩa là xâm nhập mặn, tăng nhiệt độ và mưa trái mùa có thể làm nhóm nông dân nghèo nhất của ĐBSCL bị mất 6.5 đồng trong 100 đồng chi tiêu hằng ngày.
Khoản chi tiêu sụt giảm này có thể dẫn đến hệ quả về giảm đầu tư của hộ gia đình cho giáo dục hay chăm sóc sức khỏe, đem lại tác động lâu dài làm giảm năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Năng suất lao động
Nhiệt độ cao, đặc biệt là các đợt nắng nóng gây sốc nhiệt, kết hợp với độ ẩm cao, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người lao động, nhất là với các công việc thực hiện ngoài trời như của nông dân, công nhân xây dựng hoặc công nhân trong các nhà xưởng không có điều hòa nhiệt độ. Các nhà khoa học đã dự báo rằng, đến năm 2050 nắng nóng và độ ẩm cao có thể làm giảm 20% năng suất lao động trên toàn cầu (theo công bố của Dunne năm 2013 trên tạp chí Nature2). Mức thiệt hại này là cực kỳ to lớn nếu tính cho các nước đang phát triển, nơi mà năng suất lao động đóng góp quan trọng vào cơ cấu tăng trưởng GDP.
Còn tính riêng ở ĐBSCL, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm năng suất của người lao động trong khu vực nông nghiệp một khoản tương đương gần 4 triệu đồng một năm đối với một nông dân (Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới5). Trong lĩnh vực xây dựng, năng suất lao động của một công nhân xây dựng có thể giảm khoảng 8.7 triệu đồng một năm, do các yếu tố tăng nhiệt độ và độ ẩm cao trong môi trường làm việc. Khoản thiệt hại này tương đương 1.5 tháng làm việc của công nhân. Dưới góc độ quản lý công trình xây dựng, nhà quản lý cần phải tăng số lượng công nhân hoặc kéo dài thời gian thi công để bù đắp khoản sụt giảm năng suất lao động này.
Thiệt hại cơ sở hạ tầng
Nước biển dâng và triều cường tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng. Hạ tầng không chỉ là mạng lưới đường xá mà là hệ thống công trình liên kết chặt chẽ đóng vai trò xương sống cho mọi hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống con người: cầu, đường, hệ thống truyền tải điện, hệ thống cáp internet, cảng biến và hàng không, công trình thủy lợi và các khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới3 tính toán rằng với kịch bản nước biển dâng 0.3m và ngập 0.5m, thiệt hại cơ sở hạ tầng ở thành phố Cần Thơ có thể lên đến 2 tỷ USD trong 1 năm, và với thành phố Vĩnh Long là khoảng 500 triệu USD. Thiệt hại cơ sở hạ tầng nông thôn ĐBSCL do biến đổi khí hậu được ước tính vào khoảng 11 tỷ USD một năm, tập trung phần lớn ở Cà mau, Kiên Giang và Bến Tre.
Thiệt hại cơ sở hạ tầng do biến đổi khí hậu không chỉ là việc một khu vực đô thị bị ngập nước triều cường hay kè bờ biển bị sóng đánh sạt lở. Thiệt hại quan trọng nhưng khó thấy hơn là khi con người nhìn thấy, nghe thấy sự sạt lở, sự ngập lụt, nhận thức về rủi ro của họ bị tác động mạnh và bắt đầu thay đổi. Nhận thức thay đổi dẫn đến hành vi thay đổi. Các khoản đầu tư hay chi tiêu dự định cho khu vực hạ tầng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu có thể sụt giảm nhanh hơn dự kiến. Biến đổi khí hậu tạo ra sự thiệt hại kép: vừa từ chính nó và vừa từ sự sợ hãi do nó mang lại.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL
Nước biển dâng tấn công trực tiếp và dần dần xóa sổ rừng ngập mặn. Nghiên cứu của IPCC4 cho thấy với kịch bản nước biển dâng 1 mét đến cuối thể kỷ này, ĐBSCL sẽ mất 70% diện tích rừng ngập mặn hiện có. Mà theo báo cáo mới đây của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường5, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL có giá trị kinh tế vào khoảng 2.950 tỷ đồng/năm. Nghĩa là đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng có khả năng xóa sổ khoảng 2.000 tỷ đồng hằng năm cho riêng những đóng góp của hệ sinh thái rừng ngập mặn ĐBSCL cho nền kinh tế như cung cấp gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, chức năng bảo vệ bờ biển, điều hòa khí hậu, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, hấp thu carbon, cung cấp dịch vụ du lịch và đa dạng sinh học.
Kết luận
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu là quá trình diễn ra trong thời gian dài và chứa đựng rất nhiều yếu tố không chắc chắn. Các con số tính toán ở trên dựa trên các giả định không có sự can thiệp chính sách, không có các biến động toàn cầu và dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai. Tuy nhiên, không vì sự bất định này mà chúng ta không biết làm gì với các con số. Những con số đó là cảnh báo, đầu vào cần thiết cho việc xây dựng chính sách sống chung với biến đổi khí hậu, thiệt hại do biến đổi khí hậu trong khu vực sản xuất nông nghiệp có thể được giảm thiểu rất nhiều nếu nhà nước đầu tư vào các biện pháp thích ứng một cách hiệu quả.
Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam), Đại học Kinh tế TP. HCM
Tài liệu tham khảo
1. World Bank. 2010. Economics of Adaptation to Climate Change: Vietnam. Working paper #70272. World Bank Group. Washington.
2. Dunne, P., R. Stouffer and J. John. 2013. Reductions in labour capacity from heat stress under climate warming. Nature Climate Change. doi:10.1038/nclimate1827.
3. World Resource Institute. 2014. Climate Change in the Lower Mekong Basin: An Analysis of Economic Values at Risk. USAID Mekong Adaptation and Resilience to Climate Change Working paper.
4. Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC). 2007. Emissions Scenarios 2000, Fourth Assessment Report, Climate Change: Synthesis Report. Geneva: IPCC.
5. ISPONRE. 2018. Lồng Ghép Vốn Tự Nhiên vào các Chính sách và Hoạt Động Phát Triển Bền Vững: Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái Rừng ngập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hà Nội.