1.300 người tị nạn dùng chung một vòi nước

Cuộc sống thiếu thốn, ô nhiễm khác xa so với những gì người tị nạn hy vọng khi cố gắng đặt chân đến châu Âu, là điều kiện hoàn hảo để virus corona bùng phát.

Trong trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, hơn 26.000 người di cư đang chen chúc trong những khu nhà chỉ có sức chứa chưa đến 3.000 người.

Các lối đi đầy rác, ống nước thải thường xuyên bị vỡ. Cư dân phải xếp hàng hàng giờ để tắm. Bệnh ngoài da và đường hô hấp là những vấn đề sức khỏe thường gặp.

Cuộc sống ở đây khác xa so với những gì người tị nạn hy vọng khi cố gắng đặt chân đến châu Âu. Nhưng đó là điều kiện hoàn hảo để virus corona bùng phát.

Rác thải có ở khắp nơi trong khu tị nạn Moria, Hy Lạp.

Khi Covid-19 lan rộng ở châu Âu, các cơ quan viện trợ lo ngại Moria và các trại tị nạn khác chẳng mấy chốc sẽ trở thành ổ dịch tàn khốc. Lo ngại tiếp tục leo thang khi gần đây, đảo Lesbos ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với chủng mới của virus corona.

Hilde Vochten, điều phối viên y tế tại Hy Lạp cho biết, ở một số khu vực của trại Moria, 1.300 người đang phải sử dụng chung một vòi nước và không có xà phòng.

Các gia đình có 5, 6 người phải ngủ trong không gian không quá 3 mét vuông. Điều này có nghĩa là các biện pháp được khuyến nghị như rửa tay thường xuyên hay hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn sự lây lan của virus là không thể.

“Cần thừa nhận một thực tế rằng: Không thể ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh trong các khu vực này. Đến nay, chúng tôi chưa thấy một kế hoạch đáng tin cậy nào để bảo vệ và chữa trị cho những người sống ở đó trong trường hợp dịch bùng phát”, bà Vochten nói.

Môi trường sống quả tải, thiếu nước là điều kiện hoàn hảo để dịch Covid-19 bùng phát khó kiểm soát ở các khu tị nạn.

Ở Syria, viễn cảnh cũng nghiệt ngã không kém. Erin Taylor, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Save the Children, nói với Vice rằng tổ chức của cô đang làm việc với các đối tác để chuẩn bị cho đại dịch.

Tuy nhiên, thực tế là sau 9 năm xung đột, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng sẽ rất cần thiết trong trường hợp y tế khẩn cấp đều đã bị phá hủy.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đang nỗ lực xây dựng năng lực để đối phó với dịch bệnh, đào tạo nhân viên và chuẩn bị phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Taylor thừa nhận rất khó để kiểm soát một ổ dịch trong cộng đồng này.

Đến nay, không có trường hợp nhiễm corona nào được báo cáo là người tị nạn hoặc người xin tị nạn, theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi.

Tuy nhiên, khi số trường hợp được xác nhận nhiễm corona tiếp tục tăng vọt, lên tới hơn 127.000 người, các nhân viên cứu trợ cho rằng đại dịch bùng phát tại trại tị nạn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nguồn: