Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi châu Âu là tâm dịch COVID-19 của thế giới, trong đó tình hình ở Italy là nghiêm trọng nhất. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm tăng nhanh.
Châu Âu thành tâm dịch mới
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng châu Âu hiện là “trung tâm” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát. Trong một cuộc họp báo tại Geneva, ông Ghebreyesus cho biết số người nhiễm bệnh và các ca tử vong được báo cáo mỗi ngày ở châu Âu nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Ông nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 đã vượt quá 5.000 người và “đây là một cột mốc bi thảm”.
Tổng Giám đốc WHO cho rằng các quốc gia cần thực hiện chống dịch một cách tiếp cận toàn diện. Theo ông, cần thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly, không nên thực hiện từng biện pháp riêng lẻ. Các nước cần phải hành động nhiều hơn để phát hiện, bảo vệ và điều trị các trường hợp.
Ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phải tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và xử lý mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh. Mỗi trường hợp được tìm thấy và được điều trị sẽ đều hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo Tổng giám đốc WHO, bất kỳ quốc gia nào có suy nghĩ “dịch bệnh sẽ không xảy ra với chúng tôi” là đang phạm phải sai lầm “chết người”.
Tính tới 6h sáng 15/3, trên toàn thế giới, tổng số ca nhiễm là 156.054 và tổng số ca tử vong là 5.819. Trong đó, Italy ghi nhận tới 3.497 ca nhiễm SARS-Cov-2 mới và 175 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 21.157 và tổng số ca tử vong lên 1.441.
Sau khi Italy đưa ra các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại trên toàn bộ đất nước, ngày 13/3, nhiều nước châu Âu khác cũng đã công bố các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban bố tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại nước này trong một thế kỷ qua, đồng thời yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và đại học trên phạm vi cả nước cho tới khi có lệnh mới. Pháp đã đưa ra quy định cấm các cuộc hội họp có quy mô từ 100 người trở lên.
Ireland cũng thông báo đóng cửa nhà trẻ, trường học và trường đại học và triển khai phương thức học và dạy học từ xa. Các cơ sở văn hóa sẽ được đóng cửa. Ngoài ra, Ireland cũng quy định hủy bỏ các sự kiện hội họp trong nhà có hơn 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời trên 500 người tham gia.
Chính phủ Bỉ đã ra các quy định nghiêm ngặt để phòng chống lây lan SARS-CoV-2 như tạm ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa; các sàn khiêu vũ, quán bar, cà phê và nhà hàng đều phải đóng cửa; các cửa hàng như siêu thị, hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm sẽ được mở cửa trong tuần và cuối tuần; các cửa hàng khác sẽ mở trong tuần và đóng cửa cuối tuần; các trường học sẽ tạm thời đóng cửa cho tới khi có lệnh mới, tuy nhiên, vẫn duy trì dịch vụ trông trẻ đối với học sinh có bố mẹ đi làm.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã đặt nước này trong tình trạng báo động để huy động các lực lượng hiến binh, cảnh sát và quân đội trong nỗ lực kiểm soát lây lan virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 12/3 đã thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ và đại học từ ngày 16/3 tới. Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 169 ca nhiễm COVID-19. Giới chức đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở.
Cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật dịch bệnh khẩn cấp trước nửa đêm 12/3, trao cho chính phủ quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức thành phố Istanbul đã quyết định đóng cửa các viện bảo tàng, nhà hát thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại thành phố du lịch này.
Trong 2 tuần, kể từ ngày 15/3, Chính phủ Moldova sẽ đình chỉ mọi chuyến bay tới các nước châu Âu khác.
Ngoài ra, ngày càng có thêm nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới. Ngày 13/3, Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không.
Cùng ngày, Ba Lan thông báo sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài mà hiện nay đã có ít nhất 68 người mắc tại nước này. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Ba Lan cũng cho biết, công dân nước này từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly 2 tuần. Các biện pháp này sẽ được áp dụng từ nửa đêm 14/3.
Trong khi đó, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades thông báo sẽ không cho tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15/3 và quyết định này sẽ được duy trì trong 15 ngày.
Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp
Lúc 2 giờ sáng 14/3 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do COVID-19, tạo điều kiện cho việc cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Trump nêu rõ: “Nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với thẩm quyền đầy đủ của Chính phủ liên bang… Tôi chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19”.
Trong nhiều tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump cố gắng trấn an dư luận khi khẳng định Mỹ có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế gần đây đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Cùng ngày 14/3, Tổng thống Trump và và Phó Tổng thống Mike Pence cho biết đang xem xét một số hạn chế đối với việc đi lại trong nước, đặc biệt là đối với khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bùng phát.
Một số nguồn tin cho biết đại diện của Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Hải Quan và Bảo vệ Biên giới và Bộ Giao thông vận tải đã có các cuộc thảo luận với nhóm đặc trách đối với virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Mike Pence phụ trách về các khả năng nhằm hạn chế sự lây lan của virus trên, trong đó có việc hạn chế đi lại tới các khu vực như bang Washington hay các khu vực hiện đang là “điểm nóng” của virus SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ.
Theo nguồn tin, việc tạm dừng một số chuyến bay cũng như việc đi lại bằng tàu giữa một số thành lớn của Mỹ cũng đã được thảo luận và đây được coi là một bước đi để thực hiện việc hạn chế đi lại trên.
Mỹ hiện có 2.499 ca nhiễm và 55 ca tử vong. Bản thân Tổng thống Trump cũng đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi ông tiếp xúc với một số quan chức dương tính với virus này. Ông Trump đang chờ đợi thêm kết quả, nhiều khả năng sẽ có trong vài ngày tới. Các thành viên đội ngũ báo chí tiếp xúc gần Tổng thống Mỹ cũng đo thân nhiệt.
Châu Á: Tình hình Iran nghiêm trọng
Tại châu Âu, Iran vẫn là nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Tính tới 6h sáng 15/3, số liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy trong 24 giờ qua, số ca tử vong đã tăng thêm 97 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 611 trong khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng thêm 1.365 người, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên 12.729 người. Giới chức Iran cũng lo ngại số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Ngày 14/3, các lực lượng an ninh nước này sẽ bắt đầu dọn dẹp các cửa hàng, tuyến phố và tuyến đường trên phạm vi cả nước trong vòng 24h.
Những người bị nghi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được chuyển tới các trung tâm y tế. Các lực lượng vũ trang Iran sẽ thiết lập 1.000 đơn vị điều trị để tiến hành khám bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19 và sẽ nỗ lực hết sức trong việc điều trị bệnh cho những trường hợp này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã chấp thuận sơ bộ việc áp đặt lệnh phong tỏa một phần ở những khu vực thuộc nhiều tỉnh.