Biện pháp nào để bịt lỗ hổng kiểm dịch tại sân bay?

Việt Nam đang kiểm soát tốt các ca dương tính Covid-19 trong nội địa nhưng ngày ngày vẫn phải đối mặt với nguy cơ “nhập khẩu” thêm bệnh nhân từ các quốc gia có dịch.

Liên tiếp những ca dương tính Covid-19 trên chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam được ghi nhận những ngày vừa qua. Điều đáng nói, khi lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay làm đúng quy trình, từ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế đến soi hộ chiếu, một ca bệnh dương tính vẫn có thể lọt qua.

Liên tiếp các ca bệnh lọt chốt kiểm dịch

Ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là tiếp viên hàng không. Nữ tiếp viên này đã phục vụ chuyến bay VN54 từ London đến Hà Nội hạ cánh sáng 9/3 (khác với chuyến VN54 chở bệnh nhân thứ 17 ngày 2/3).

Thay vì được phát hiện và cách ly từ cửa khẩu sân bay, nữ tiếp viên này vẫn về nhà, tiếp xúc thêm với một số người thân, đồng nghiệp. Các F1 của cô (gồm phi công, tiếp viên, hành khách đi cùng chuyến) cũng tiếp tục gặp gỡ, dẫn đến tình huống nhiều người trở thành F2.
Bien phap nao de bit lo hong kiem dich tai san bay? hinh anh 1 a321_zing10.jpg

Vietnam Airlines liên tục phải cách ly các tổ bay vì phát hiện ca nhiễm. Ảnh minh họa: Trung Phong.

Theo thông tin từ Vietnam Airlines, bệnh nhân này được nhập cảnh bình thường do khi nhập cảnh không có biểu hiện về sức khỏe, cũng không biết mình đang mang theo virus. Khi phát hiện triệu chứng ho, sốt vào tối muộn ngày 10/3, tiếp viên này đã thông báo cho cơ quan chức năng.

Hãng cho biết mọi tiếp viên, phi công bay chặng nước ngoài đều trải qua đầy đủ quy trình kiểm kiểm tra thân nhiệt, điền tờ khai y tế và được kiểm tra từng trang hộ chiếu khi nhập cảnh.

Trước đó, Việt Nam liên tục ghi nhận các chuyến bay có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 từ Anh bay về Việt Nam (chuyến VN54 ngày 2/3, chuyến VN50 ngày 12/3…).

Trao đổi với Zing.vn, cả lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh đều thừa nhận các biện pháp khai báo y tế, soi hộ chiếu tại sân bay có hiệu quả nhất định nhưng không ngăn được triệt để các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam.

Việc xử phạt nặng người khai báo y tế gian dối được đưa ra như một biện pháp để “vá lỗ hổng”. Tuy nhiên, biện pháp này chưa triệt để bởi nhiều trường hợp giống như nữ tiếp viên của Vietnam Airlines – khai báo y tế đầy đủ, trung thực – nhưng vẫn không biết mình bị lây bệnh từ khi nào.

Biện pháp nào để bịt lỗ hổng?

Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia dịch tễ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định Việt Nam cần áp dụng thêm yêu cầu cách ly bắt buộc với những người về từ các quốc gia châu Âu. Dĩ nhiên, biệt pháp này sẽ tăng thêm thiệt hại về mặt kinh tế.

Hiện, người về Việt Nam từ Anh, Pháp, Đức vẫn có thể sinh hoạt bình thường, đi lại tự do sau khi qua vòng khai báo y tế tại cửa khẩu. Điều này khác hẳn với các trường hợp về từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tất cả công dân trở về từ 2 nước này đều phải cách ly 14 để đề phòng họ từng tiếp xúc với người bệnh.
Hai hành khách người Anh đi nhiều nơi sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Một nhân viên siêu thị điện máy đã dương tính với virus corona sau khi tiếp xúc với 2 người này. Ảnh chụp camera an ninh.

Cách ứng xử với công dân chở về giữa 2 nơi là khác nhau. Nhưng tình trạng bệnh dịch tại các nước châu Âu liệu có lạc quan hơn Trung Quốc hay Hàn Quốc?

“Châu Âu giờ đây đã trở thành tâm của đại dịch”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố ngày 13/3. Ông nhấn mạnh châu Âu đang có số ca nhiễm và ca tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều hơn tất cả những nơi khác gộp lại, chỉ trừ Trung Quốc đại lục.

Con số do cơ quan y tế Anh công bố trong ngày 12/3 cho biết nước này có 590 ca nhiễm virus SARS-CoV2, tăng 30% trong 24h và có 10 bệnh nhân đã tử vong. Theo ông Vallance, Trưởng bộ phận cố vấn khoa học của chính phủ Anh, do việc thực hiện quá ít các xét nghiệm, số ca nhiễm bệnh hiện tại ở Anh không phản ánh đúng thực tế và nhiều khả năng đã có 5.000-10.000 công dân Anh nhiễm virus corona tại thời điểm này.

Tình hình tại Pháp thậm chí còn trầm trọng hơn. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết tính đến ngày 12/3, Pháp ghi nhận 2.876 ca nhiễm Covid-19, trong đó 61 trường hợp tử vong.

Theo Guardian, số ca nhiễm Covid-19 tại Đức hôm 13/3 cũng tăng vọt lên hơn 3.000, trong đó ghi nhận 7 ca tử vong.

Như vậy, không chỉ riêng Italy, Iran, Hàn Quốc và Trung Quốc, ngay tại Anh, Pháp, Đức đang trở thành vùng dịch.

Điều đáng ngại là các nước Anh, Pháp, Đức đang duy trì đường bay thẳng đến Việt Nam. Các hành khách từ Anh, Pháp, Đức nhập cảnh chỉ cần khai báo đầy đủ tình hình sức khỏe và những nơi từng đến, nếu không có vấn đề gì sẽ được nhập cảnh và không bị cách ly khỏi cộng đồng.

“Bệnh nhân dương tính có thể không sốt khi đi qua cửa soi thân nhiệt, họ cũng có thể khai báo y tế gian dối. Căn cứ vào hộ chiếu cũng không thể biết hết hành trình của họ”, chuyên gia dịch tễ phân tích.

Việc không cách ly triệt để tạo ra nhiều hậu quả. Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 18 của Việt Nam không lây nhiễm thêm cho ai do đã vào thẳng khu cách ly sau khi trở về từ Daegu (Hàn Quốc). Ngược lại, rất nhiều ca trở về từ châu Âu không được cách ly từ đầu, trong đó có ca bệnh thứ 17 và 34 đã lây thêm cho nhiều người trước khi được phát hiện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã tiếp nhận 6 ca dương tính với Covid-19 đều là công dân Anh. Nơi đây cũng đang theo dõi 10 trường hợp nghi nhiễm là người Anh, Đức… Một số người còn nói rằng sau khi xuất viện họ sẽ vẫn ở lại Việt Nam vì hiểu nguy cơ lây nhiễm khi về Anh cao hơn rất nhiều.

Tính đến ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận 47 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, 16 ca được phát hiện trong giai đoạn 1 của dịch đều đã khỏi bệnh.

Trên thế giới đã ghi nhận gần 140.000 ca nhiễm với hơn 5.000 người tử vong. Hơn 70.000 ca đã khỏi bệnh.