Các nhà nghiên cứu cho biết rác thải nhựa chảy vào đại dương đang làm gia tăng tình trạng ô nhiễm trên các bãi biển của Australia.
Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 11/3, một nhóm thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Utrecht ở Hà Lan cho biết rác thải nhựa đang trôi dạt về phía bờ biển Australia, nơi chúng bị mắc vào cây trồng ven biển.
Denise Hardesty, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan khoa học CSIRO của Australia cho rằng lượng mảnh vụn trên bãi biển giải thích tại sao ước tính rác thải vào đại dương lớn hơn 100 lần so với lượng rác thải nhựa nổi trên bề mặt.
“Chúng tôi đã thu thập dữ liệu về số lượng và vị trí ô nhiễm nhựa cứ mỗi 100 km quanh toàn bộ bờ biển Australia từ năm 2011 – 2016”, Denise Hardesty cho biết.
“Rác thải nhựa tập trung nhiều nhất tại các vùng ven biển, nơi thảm thực vật bắt đầu” – bà Denise Hardesty nói thêm.
Hồi đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Thái Bình Dương đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cam kết tăng cường năng lực tái chế rác thải nhựa của Australia.
Phân tích dữ liệu do CSIRO tổng hợp được thực hiện bởi một nhóm từ Đại học Utrecht.
“Rác thải nhựa dọc trên bờ biển là do việc xả rác và sự lắng đọng từ đại dương”, Arianna Olivelli, người đứng đầu phân tích cho biết.
“Những kết quả trên cho thấy rác thải nhựa đang di chuyển từ các khu vực đô thị vào đại dương, và sau đó lại trôi dạt vào bờ và đẩy về phía đất liền, nơi vốn có rác thải nhựa” – Arianna Olivelli cho biết thêm.
“Gió và sóng trên bờ, cùng với các khu vực đông dân hơn ảnh hưởng đến số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa trên biển. Chúng ta càng đi xa khỏi mép nước, chúng ta sẽ phát hiện càng có nhiều rác thải nhựa hơn” – Arianna Olivelli nhấn mạnh.