Pháp đóng cửa tất cả trường học từ ngày 16-3

Tối 12-3 trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo quyết định đóng cửa tất cả trường học từ ngày 16-3. Đây là biện pháp quan trọng để chặn đà lây lan của dịch bệnh hiện đã lan tới tất cả các vùng ở Pháp.

Tổng thống Emmanuel Macron công bố các biện pháp khẩn cấp chống dịch bệnh Covid-19 trên truyền hình tối 12-3.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng tới các châu lục, hoành hành tất cả các nước châu Âu và là cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất đối với nước Pháp trong một thế kỷ qua. Trong hai ngày qua, ở Pháp có hơn một nghìn ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng rất nhanh tới mức báo động nguy cơ bùng phát dịch như ở Italy.

Tổng thống Pháp cho rằng dù vẫn duy trì giai đoạn 2/3 của dịch bệnh, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và nhanh. Vì vậy ưu tiên cao nhất cho nước Pháp là sức khỏe của người dân. Ông E. Macron nói: Tôi không thể đánh đổi bất cứ điều gì mà thay vào đó là hành động để bảo vệ sức khỏe của người dân Pháp. Vì lợi ích của cả nước Pháp, từ thứ hai tuần tới, tất cả nhà trẻ, các cấp phổ thông và đại học sẽ đóng cửa. Đó là vì một lý do đơn giải: theo các nhà khoa học, trẻ em và học sinh là những đối tượng phát tán virus nhanh nhất.

Như vậy tuần tới hơn 12 triệu học sinh, sinh viên trên toàn nước Pháp sẽ nghỉ học cho tới khi có quyết định đi học trở lại. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết các phương án hỗ trợ học sinh nếu đóng cửa trường học đã được chuẩn bị từ nhiều tuần qua. Mục tiêu của Bộ Giáo dục Pháp là bảo đảm học sinh vẫn có thể tiếp thu kiến thức từ xa, tức là ở nhà cũng như đến lớp.

Theo quyết định của Tổng thống Pháp, tất cả hệ thông giao thông công cộng được hoạt động nếu không sẽ làm ngưng trệ tất cả hoạt động của nước Pháp, trong đó có công tác chữa trị bệnh nhân bị bệnh dịch. Người đứng đầu Nhà nước Pháp cũng đề nghị người dân hạn chế đi lại, lựa chọn phương án làm việc ở nhà trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Nhà nước sẽ hỗ trợ những người phải nghỉ việc hoặc giảm thu nhập do ảnh hưởng của bệnh dịch.

Đề cập đến việc cân nhắc và đưa ra quyết định quyết liệt như vậy, Tổng thống Pháp cho biết chính phủ đã tham vấn các nhà nghiên cứu virus, dịch tế học và y học hàng đầu của nước này. Các ý kiến đều cho rằng dù đã rất nỗ lực kiềm chế, virus corona vẫn tiếp tục lân lan rộng khiến mọi người rất lo sợ. Thực tế trong thời gian qua cho thấy bệnh dịch tấn công khủng khiếp vào những người dễ bị tổn thương, có tuổi và có bệnh. Họ cần được chăm sóc tốt trong bệnh viện và nước Pháp cần phải chuẩn bị ứng phó đợt lây nhiễm thứ hai có thể xảy ra đối với những người trẻ tuổi hơn, ít bị phơi nhiễm nhưng khi có bệnh cũng cần phải được điều trị.

Tổng thống Pháp khẳng định: Sức khỏe là vô giá. Chính phủ sẽ huy động tất cả nguồn lực tài chính cần thiết để cứu chữa bằng mọi giá những người bị bệnh dịch. Việc nghiên cứu cách điều trị đã được thực hiện ở Paris và Marseille và tôi hy vọng rằng trong vài tuần, vài tháng tới, Pháp sẽ có những phương án điều trị hiệu quả đầu tiên.

Tổng thống Pháp cũng như Chính phủ sẽ có các biện pháp và sự hỗ trợ cần thiết để giúp các ngành kinh tế vượt qua thách thức dịch bệnh hiện nay. Việc lựa chọn phương án bảo vệ sức khỏe cho người dân thay vì theo đuổi mục tiêu kinh tế cũng đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo vào ngày 11-2 khi cho biết có thể “hy sinh” quy tắc bất khả xâm phạm “không thâm hụt ngân sách” của nước này để dồn lực đối phó bệnh dịch.

Ông E. Macron kêu gọi các nước trong khu và trên thế giới đoàn kết, tập hợp lực lượng và phối hợp chặt chẽ để sớm khống chế bệnh dịch Covid-19. Kể từ khi bệnh dịch lây lan rộng và nhanh ở các nước Tây Âu, Áo và Thụy Sĩ và Đức đã triển khai một số biện pháp hạn chế sự đi lại từ các “điểm nóng” nhất là Italy. Nhiều ý kiến tại Pháp đã đề cập đến việc tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan. Về vấn đề này, Tổng thống Pháp cho rằng việc đóng cửa biên giới chỉ được thực hiện khi thấy cần thiết và có sự nhất trí của các nước trong khu vực, đồng thời đề nghị có sự phối hợp đồng bộ và quy mô của các nước EU để bảo vệ nền kinh tế trong khu vực vào thời điểm đầy thách thức hiện nay.

Bệnh dịch cũng ảnh hưởng tới hai vòng bầu cử địa phương vào ngày 15 và 22-3. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho biết không có kế hoạch hoãn bầu cử dù có ý kiến đề nghị áp dụng Điều 16 của Hiến Pháp khi có khủng hoảng. Các biện pháp phòng dịch trong bầu cử đã được chuẩn bị. Theo đó, người già được hỗ trợ tối đa về thủ tục ủy quyền bỏ phiếu, bố trí bình xịt sát khuẩn, không bắt buộc tháo hẳn khẩu trang nếu vẫn xác minh được danh tính, cử tri có thể tự mang bút để ký, giữ khoảng cách 1m…

Trong 24 giờ qua, ba nước châu Âu gồm Italy, Tây Ban Nha và Đức ghi nhận số nhiễm mới cao nhất, 2.651, 849 và 779. Đức đã triển khai thêm một số biện pháp nhằm chặn đà lây lan của bệnh dịch, hạn chế các cuộc tụ tập quá 1.000 người đồng thời kiểm tra chặt chẽ các đường nối từ Pháp sang để phát hiện những trường hợp có khả năng bị nhiễm virus corona.

Các nước khác trong khu vực cũng thông báo thêm hàng trăm trường hợp nhiễm mới, cho thấy dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm. Sau cuộc họp Hội đồng An ninh tối 12-3, Thủ tướng Bỉ thông báo quyết định đóng cửa trường học, quán cafe và nhà hàng cùng các cuộc tụ tập, biểu tình. Quyết định đóng cửa trường học cũng được Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra trong tối hôm qua. Trước đó, Ba Lan và Ukraine đã cho học sinh nghỉ hai tuần.

Cũng trong ngày 12-3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua gói kích thích kinh tế lên tới 120 tỷ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch Covid-19. Chính phủ các nước trong khu vực liên tiếp công bố các biện pháp mạnh tay để hỗ trợ doanh nghiệp Dù vậy, thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực EU vẫn đồng loạt lao dốc. Thị trường chứng khoán Paris mất tới 12,28%, mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử.

Khải Hoàn (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)

Nguồn: