Kết nối cộng đồng để chung tay xử lý rác thải…
Xuất phát là một kỹ sư môi trường 9x, chị Nguyễn Hoàng Kim Phụng luôn quan tâm đến các vấn đề về rác thải và mong muốn giảm thiểu được việc xả rác thải hằng ngày của người dân bằng cách sử dụng công nghệ. Chính vì lý do đó, Kim Phụng đã thành lập startup cung cấp một nền tảng cho người dân có thể tìm được các công ty công ích giúp việc xử lý rác diễn ra nhanh chóng. Thậm chí, đây còn là nơi để mọi người có thể trao đổi đồ cũ, nhằm lan truyền ý thức bảo vệ môi trường.
Nhu cầu lớn bị bỏ quên
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ tính riêng TP.HCM mỗi ngày phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, một con số rất lớn. TP.HCM có thể mất hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm để xử lý rác. Phần lớn rác thải sinh hoạt ở TP.HCM được chôn lấp ở bãi rác Đa Phước và Phước Hiệp, còn lại được tái chế, làm phân hữu cơ và đốt rác không thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay, 60% các công ty thu gom rác trung lập, chưa được tập trung và quản lý chặt chẽ, khiến việc kết nối nhu cầu đổ rác phát sinh bất ngờ của người dân rất khó khăn. Đa số người dân sẽ phải thuê xe ở bên ngoài để chở ra bãi rác, rất mất thời gian và tốn kém.
Vì thế, Kim Phụng đã bắt tay với bạn thành lập một startup phát triển mạng xã hội có tên là GRAC, liên kết tất cả mọi người, bao gồm cả các chính quyền và các công ty công ích, nhằm giúp việc xử lý rác một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất, chi phí sẽ hoàn toàn được công khai. Người dùng cũng có thể đóng tiền rác qua mạng hằng tháng, giúp hai bên tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Theo Kim Phụng, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, có rất nhiều công cụ tìm kiếm, tra cứu và thu thập thông tin, dữ liệu, nhưng không phải nguồn thông tin nào được tìm thấy cũng đều chính xác và đáng tin cậy. Ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng những hướng dẫn, thông báo chính xác nhất, căn cứ theo các văn bản pháp luật còn hiệu lực do Nhà nước ban hành, về phân loại rác tại nguồn nói riêng và thu gom rác nói chung.
Một điểm đặc biệt của GRAC chính là tính năng phân loại rác. Với tính năng này, các hộ gia đình sẽ thấy được xe rác đang vận chuyển ở con đường nào, bao nhiêu lâu nữa sẽ đến nhà mình và xe rác đó hôm nay sẽ thu rác hữu cơ, rác tái chế hay rác gì… Từ đó người dùng sẽ dễ dàng biết được rác nào sẽ được thu gom để bỏ cho đúng cách. Đối với rác thải lớn, cồng kềnh như rác xây dựng phát sinh, nếu hộ gia đình nào đăng những thông tin rác đó lên, các công ty thu gom sẽ biết vị trí để đến thu gom. Đối với đồ cũ, GRAC sẽ làm mới giá trị cho đồ cũ bằng cách bán với giá rẻ hơn hoặc tặng cho những người có nhu cầu.
Kim Phụng chia sẻ: “Đây là ứng dụng đầu tiên trên thị trường về kết nối đổ rác, do người dân Việt Nam còn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Chúng tôi muốn góp phần thúc đẩy người dân hình thành và phát triển thói quen phân loại rác tại nguồn, thải bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định và tái sử dụng, tái chế tối đa các sản phẩm còn hữu ích”.
Cộng đồng tái sử dụng đồ cũ
Với tốc độ tăng dân số hiện nay, đến năm 2025, dân số TP.HCM dự báo sẽ tăng lên 15 triệu. Khi đó, ước tính lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ lên đến 13.000 tấn/ngày thay vì 9.000 tấn/ngày như hiện nay. Vì vậy, xử lý rác thải đang là vấn đề mà chính quyền thành phố muốn huy động nhiều nguồn lực để chung tay xử lý. Những sáng kiến như GRAC được nhiều người ủng hộ.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, Kim Phụng nhận ra nhu cầu trao đổi đồ cũ còn rất lớn. Vì thế, chị đã phát triển riêng một ứng dụng nữa là “Yêu môi trường”, tạo ra một sân chơi cho mọi người trao đổi những đồ không còn sử dụng với nhau. Thậm chí, ứng dụng còn giúp cho những người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn có thêm đồ dùng để sử dụng. Việc trao đổi những món đồ dùng cơ bản cũ trong gia đình có thể sẽ giải quyết bài toán nhân đạo dễ dàng hơn cho các tổ chức từ thiện.
Kim Phụng cho biết: “Thông qua ứng dụng, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ truyền thông cho các tổ chức từ thiện, hoạt động vì môi trường đăng tải và chạy các chương trình như thu dọn rác, thiện nguyện… Do đây là một Facebook thu nhỏ dành riêng chuyên về môi trường nên việc tiếp cận tập khách hàng sẽ dễ hơn”. Bên cạnh đó, diễn đàn “Yêu môi trường” còn có sẵn lực lượng các chuyên gia về môi trường, người dân có thể tương tác, hỏi các ý kiến về cách xử lý những loại rác thải độc hại như pin, ắc quy cũ, dầu nhớt hay đến cả phòng cháy chữa cháy.
Thông qua vòng gọi vốn đầu tiên, GRAC đã gọi vốn thành công được 2 tỉ đồng từ một doanh nghiệp về môi trường trong nước, giúp đẩy mạnh cả 2 ứng dụng đến với người dân. Theo Kim Phụng, sau khi hoàn thiện cả 2 ứng dụng, startup sẽ tiếp tục gọi vốn để đưa hệ sinh thái về rác thải này được áp dụng rộng rãi hơn.