Chiều 11/3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn nộp thuế ở các ngành bị tác động lớn bởi dịch Covid-19.
Quy định rõ trong nghị định để thực hiện ngay khi ban hành
Tại dự thảo nghị định đã quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 3 nhóm đối tượng, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; các đối tượng thuộc các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid–19.
Gói gia hạn nộp thuế thực hiện trong thời gian 5 tháng, với số tiền là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, các đối tượng được gia hạn sẽ phải nộp thuế vào thời điểm từ tháng 10 đến hết tháng 12/2020.
Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Đình Thi cho biết, dịch Covid–19 hiện nay tác động nhiều mặt đến tình hình kinh tế – xã hội, tuy nhiên, Bộ Tài chính dự thảo nghị định dựa trên căn cứ vào báo cáo đánh giá của các bộ, ngành, ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp và trên cơ sở rà soát, phân tích các loại hình kinh doanh, cũng như căn cứ vào ý kiến các chuyên gia. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, từ đó đề xuất gia hạn nộp thuế cho các ngành bị tác động lớn, tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Về câu hỏi của phóng viên, tại sao không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thi cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm kê khai theo quý và tiền đã nộp vào năm 2019. “Trên thực tế đã kê khai, đã nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) và đã thực hiện cân đối năm 2019 theo Luật NSNN, được Quốc hội thông qua” – ông Thi nói.
Với thắc mắc về quy định “Danh mục các ngành kinh tế” mà các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, được gia hạn tiền thuế, được hiểu như thế nào cho đúng, ông Phạm Đình Thi cho biết, quy định Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Mục này được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có 5 cấp độ.
Ông Phạm Đình Thi nêu ví dụ, Bộ Tài chính đề xuất ngành sản xuất chế biến thực phẩm. Ở mục C, ngành cấp 1 là công nghiệp chế biến và chế tạo; cấp 2 là sản xuất chế biến thực phẩm. Trong đó, gồm: chế biến các sản phẩm thịt, từ thịt, giết mổ gia súc gia cầm, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ thịt; chế biến và bảo quản các thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm thủy sản đông lạnh; chế biến và bảo quản thủy sản khô; chế biến và bảo quản các sản phẩm nước mắm; chế biến và bảo quản các sản phẩm khác từ thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm rau quả (trong đó có ngành sản xuất nước ép từ rau quả; chế biến và bảo quản rau quả khác); sản xuất dầu mỡ thực vật (sản xuất dầu mỡ thực vật, sản xuất dầu bơ thực vật); chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa…
“Các ngành kinh tế được hiểu như thế, ngành kinh tế cấp 2, có nghĩa các ngành kinh tế cấp 3, cấp 4, cấp 5 trong ngành kinh tế cấp 2 thì đều được giãn thuế” – ông Phạm Đình Thi cho hay.
Một số ý kiến thắc mắc về trình tự, thủ tục để thực hiện gia hạn thuế. Ông Thi cho biết, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu ban hành kèm theo nghị định này cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất là ngày 31/5/2020 (theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do người nộp thuế lựa chọn).
“Như vậy, hàng tháng, theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, đối tượng nộp thuế vẫn phải kê khai, nhưng gửi Giấy đề nghị gia hạn, thì cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm rà soát và gia hạn” – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói rõ hơn.
Ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn nghị định, mà đã quy định rõ trong dự thảo nghị định để chính sách ban hành được thực hiện ngay.
Bộ Tài chính đã rà soát đề xuất miễn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí
Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm đó là yêu cầu của Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính rà soát để miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Làm rõ thêm về vấn đề này, theo ông Phạm Đình Thi, trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các khoản phí, lệ phí là đầu vào của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành quy định theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, hoặc trình Chính phủ ban hành.
Theo ông Phạm Đình Thi, mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Trong đó, nghị định này đã miễn lệ phí môn bài hàng năm đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; cơ sở giáo dục, mầm non công lập và cơ sở giáo dục công lập; miễn lệ phí môn bài năm đầu của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và nhóm cá nhân thành lập mới; miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, điều chỉnh thu lệ phí kinh doanh từ 200 nghìn đồng xuống còn 5 nghìn đồng/lượt.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Trong dự thảo nghị định này đã đề nghị giảm thuế cho 14 mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp; giảm thuế nhập khẩu cho 25 mặt hàng cơ khí. Ví dụ như mặt hàng động cơ, giảm từ 20% xuống 10%; bộ phận của máy thổi khí giảm từ 15% xuống 10%…, hoặc ngành công nghiệp khác, đề xuất giảm thuế cho 12 mặt hàng. Đối với ngành công nghiệp, bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất gia công, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô, góp phần giảm chi phí đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Gia hạn theo thẩm quyền của Chính phủ
Về thời gian gia hạn nộp thuế, theo người đứng đầu Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 5 tháng căn cứ vào thẩm quyền của Chính phủ quy định tại Điều 49 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 Luật số 71/2014/QH13): gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ và thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế”.
Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 quy định “Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định”), do đó, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch Covid-19.
“Dịch này đang lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, dịch đã tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, đặc biệt các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch và các ngành nghề, do đó chúng tôi đề xuất gia hạn nộp thuế. Chúng ta phải xây dựng nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật” – ông Phạm Đình Thi nói thêm.