Sau khi khảo sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi 350 tỉ đồng cho 5 tỉnh để ứng phó với tình trạng hạn hán, ngập mặn.
Cụ thể, số tiền 350 tỉ được chi cho các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ đời sống người dân địa phương trong thời điểm cao điểm về hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương nêu trên phải sử dụng số tiền đúng mục đích vào các việc như: Bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị chở nước và hỗ trợ người dân.
Cùng với nhiều nguồn khác, số tiền này sẽ giúp cho người dân vùng hạn hán và bị xâm nhập mặn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nguồn tiền này phải đến được tay người dân, không để thất thoát, lãng phí và các cơ quan Chính phủ sẽ giám sát việc sử dụng nguồn tiền này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12.2019 và liên tục tăng cao cho đến nay. Trong tháng 3.2020, từ 7-15.3, xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100-110km tính từ cửa sông như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An).
Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4-2020”- ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 39.000ha lúa mùa (năm 2019) và lúa đông xuân (2019-2020) bị thiệt hại với mức ảnh hưởng trên 30%. Hiện nay, có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Trong đó, Sóc Trăng có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất, với 24.000 hộ.
Trên lưu vực sông Mê Kông, năm 2019 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 – 2016. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 – 2020.