Đây là thông tin được đề cập tới trong báo cáo của Bộ NN&PTNT về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Thực hiện Chiến lược trên của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, nhiều hồ chứa đã xây dựng, sữa chữa, nâng cấp đưa vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai. Điển hình như: Hồ Rào Đá (Quảng Bình), Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Hệ thống tưới Phan Rí-Phan Thiết (Bình Thuận), Hồ Ka La (Lâm Đồng), Hồ Ea MLá (Gia Lai), Hồ Ea Soup thượng (Đắk Lắk), Hồ sông Sào (Nghệ An ), hệ thống thủy lợi Đá Hàn (Hà Tĩnh); các công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ tưới, tiêu, thoát lũ như Kênh nối sông Tiền -sông Hậu, Kênh Trà Sư – Tri Tôn…
Ngoài ra, các công trình đã hoàn thành hợp phần đầu mối, bước đầu phát huy hiệu quả trữ nước phục vụ cấp nước, chống lũ như: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), Cống Đò Điểm (Hà Tĩnh), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), hồ Định Bình (Bình Định), Hệ thống thủy lợi Sông Ray (Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong đó đặc biệt là hệ thống liên hồ chứa Sơn La – Hòa Bình – Tuyên Quang – Thác Bà đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác và nâng mức đảm bảo chống lũ ở TP Hà Nội với tần suất 500 năm.
Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 6.080 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 50.000m3 với tổng dung tích khoảng 12,5 tỷ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỷ m3.
Thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, đến nay, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 633 hồ chứa thủy lợi các loại, lắp đặt thiết bị giám sát cho 27 hồ chứa lớn.
Mặc dù vậy, hiện nay cả nước vẫn còn 1.155 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ phòng chống thiên tai, cấp thiết cần được sữa chữa, nâng cấp.