Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính tới 6h sáng ngày 7/3/2020

Ngày 6/3, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục lây lan tại nhiều nước trên thế giới và số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã vượt 100.000 người.

Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới lúc 6h sáng ngày 7/3/2020, toàn thế giới đã ghi nhận 101.926 người mắc bệnh, 3.466 người tử vong và 56.123 người được chữa khỏi. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong vòng 24h qua, thế giới đã có thêm 3.489 ca mắc bệnh mới và 79 người tử vong. Trong ngày 6/3 và rạng sáng 7/3, có tám nước gồm Bhutan, Serbia, Cameroon, Slovakia, Peru, Togo, Colombia và Costa Rica ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Còn Iran, Hàn Quốc và Italy là những quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh nhất trong ngày.

Tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát virus chết người này, tính đến sáng 7/3, tổng cộng đã có 80.576 ca nhiễm, trong đó có 23.784 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, 53.929 bệnh nhân đã xuất viện và 3.042 người tử vong.

Trong nỗ lực phòng chống sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chiều 6/3 cho biết, tổng cộng 12 bộ xét nghiệm mới đã được cấp phép sử dụng tại nước này. Theo thông báo, Trung Quốc đã khởi động một loạt chương trình mới để phát triển các bộ xét nghiệm COVID-19, bao gồm cả các bộ phát hiện nhanh nhạy hơn đối với acid nucleic và kháng nguyên, kháng thể. Hiện 7 trong số các bộ xét nghiệm này đã được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Trung Quốc phê chuẩn và đưa vào sử dụng trong 2 tuần qua.

Cơ quan quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 7/3 xác nhận thêm 309 ca nhiễm SARS-CoV-2, theo đó tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc hiện nay là 6.593 ca; số ca tử vong là 43 người. Đa số các ca nhiễm tại Hàn Quốc có liên hệ với một chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) tại Daegu, thành phố lớn thứ 4 nước này với 2,5 triệu dân.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN

Hàn Quốc ngày 6/3 tuyên bố nước này sẽ đình chỉ miễn thị thực cho công dân Nhật Bản và áp đặt lệnh bắt buộc cách ly 2 tuần đối với khách du lịch đến từ “đất nước Mặt trời mọc” kể từ tuần tới. Biện pháp này nhằm đáp trả những hạn chế đi lại mà Nhật Bản áp đặt đối với Hàn Quốc trước đó cùng ngày, theo đó Tokyo sẽ hủy 17.000 thị thực được cấp cho các công dân Hàn Quốc từ ngày 9/3 tới.

Quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều nhất trong 24h qua là Iran. Nhà chức trách Iran cho biết trong ngày 6/3, nước này đã có thêm 1.234 người mắc COVID-19 và 16 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong do chủng virus nguy hiểm này lên 124 người, trong khi số trường hợp lây nhiễm tiếp tục gia tăng nhanh và hiện ở mức 4.747 người.

Các nước gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Israel, Palestine, Iraq, Liban, Ai Cập… cũng xác nhận hàng loạt trường hợp mới dương tính với virus SARS-CoV-2. Bhutan xác nhận ca nhiễm đầu tiên là một nam giới, 76 tuổi, đến Bhutan từ Ấn Độ.

Ở châu Phi, Cameroon và Togo cũng ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lây nhiễm ở khu vực châu Phi – Nam Sahara lên 5 người.

Còn tại châu Âu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi có thêm nhiều nước công bố các trường hợp nhiễm mới.

Italy – tâm dịch của châu Âu – số ca tử vong tính tới sáng 7/3 là 197 người, tăng 49 người so với chỉ một ngày trước đó và là mức tử vong cao nhất trong một ngày. Trong khi đó, số ca nhiễm mới là 778 người, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.636. Các số liệu trên khiến Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất ngoài tâm dịch COVID-19 Trung Quốc.

Nhằm đối phó với dịch bệnh, ngày 5/3, Chính phủ Italy đã phân bổ 7,5 tỷ euro để hỗ trợ các gia đình và các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Tại Pháp, tính đến sáng 7/3, Bộ Y tế nước này cho biết đã có thêm 2 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và 230 trường hợp nhiễm mới. Như vậy, tính đến thời điểm này, Pháp ghi nhận tổng cộng 9 ca tử vong và 653 ca nhiễm COVID-19.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 5/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Anh xác nhận thêm thêm 47 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lây nhiễm ở nước này lên 163 người. Các nước châu Âu khác như Ireland, Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan, Bỉ, Hy Lạp, Estonia, Hungaria… cũng đồng loạt ghi nhận số trường hợp nhiễm mới gia tăng.

Trong khi đó, Australia cũng tuyên bố thành lập một quỹ y tế trị giá 1 tỷ AUD (660 triệu USD), để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nga ngày 5/3 yêu cầu thực hiện hoạt động khử trùng bắt buộc đối với những tàu thuyền từ Iran, Italy và Hàn Quốc đến các cảng trên Biển Đen ở Novorossiiysk và Yuzhnaya Ozereyevka. Tại thủ đô Moskva, chính quyền thành phố cũng tăng cường các biện pháp an toàn trên các phương tiện giao thông công cộng để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Dịch COVID-19 cũng đã lan rộng tới 18 bang của Mỹ, buộc Tổng thống Donald Trump phải ký phê chuẩn gói ngân sách hỗ trợ phòng chống dịch trị giá 8,3 tỷ USD được Quốc hội nước này thông qua trước đó cùng ngày. Giới chức các bang Nevada, New Jersey, Tennessee và Texas cho biết đã có những trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những bang này trong 24 giờ qua, nâng tổng số người bị nhiễm ở Mỹ lên tới ít nhất 272 người. Đồng thời, Mỹ xác nhận ca tử vong thứ 15.

Ở khu vực Nam Mỹ, nhà chức trách Ecuador đã tiến hành cách ly một tàu hải quân của nước này chở 50 người sau khi phát hiện một thủy thủ trên tàu tiếp xúc với ca đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19 tại nước này. Các nước Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina và Chile cũng thông báo thêm các ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lẫy nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 13 người. Như vậy đến sáng 7/3, Argentina đã xác định đươc 8 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sẽ phát động một chiến dịch truyền thông xã hội mới kêu gọi đảm bảo mọi người dân đều được an toàn, được hưởng các biện pháp phòng ngừa linh hoạt và được thông tin đầy đủ khi đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước đó, WHO cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/3 đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu. Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia hạn chế những tranh cãi, tập trung vào quá trình phòng dịch. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới. Ông nói: “Dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất”.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO cũng cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh, thay vì có những động thái trả đũa lẫn nhau như trong thời gian qua.

Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể không lây lan dễ dàng trong điều kiện thời tiết ấm những tháng mùa Hè tại châu Âu, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO – ông Mike Ryan – nhận định: “Chúng tôi vẫn chưa biết rõ hoạt động hay hành vi của loại virus này ở những điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng tôi đành phải giả định rằng virus sẽ tiếp tục có khả năng lây lan”.

Ông Ryan cho rằng sẽ là sai lầm khi hy vọng rằng virus sẽ biến mất vào mùa Hè như virus gây bệnh cúm khi tới nay, chưa hề có bằng chứng cho rằng điều này sẽ xảy ra.