Anh cần thúc đẩy chống buôn lậu động vật hoang dã hậu Brexit

Chính phủ Anh cần một cách tiếp cận thực tế và đầy tham vọng để dập tắt hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thời hậu Brexit.

Vấn nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài có nguy cấp tiếp tục tăng và việc Anh rời EU đặt ra câu hỏi về vai trò của quốc gia này trong việc tham gia các chương trình quốc tế chia sẻ thông tin về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp (IWT).

Buôn bán trái phép các loài động vật được bảo vệ ước tính trị giá tới 17 tỷ bảng mỗi năm và là loại hình tội phạm có lợi nhuận cao thứ tư thế giới, thường được tiếp tay bởi các quan chức tham nhũng, các băng đảng tội phạm và thậm chí các mạng lưới khủng bố.

IWT bao gồm ba thành phần chính. Thứ nhất, nạn săn trộm và chế biến trái phép động thực vật tại quốc gia nguồn. Thứ hai, vận chuyển hàng hóa đến thị trường đích. Cuối cùng, nhu cầu về hàng hóa tại các quốc gia đích, điển hình là ở các nước phát triển và các nước Đông Á. Nhu cầu này tập trung vào các loài động vật có vú, bò sát, san hô, chim, cá… làm tăng nguy cơ tuyệt chủng những loài này.

Chính sách

Chính phủ Anh đã tích cực ban hành các chính sách mới để ngăn chặn IWT trong những năm gần đây, ví dụ như Đạo luật Ngà và cuối năm ngoái tài trợ 220 triệu bảng cho Quỹ đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và Quỹ Đa dạng sinh học quốc tế. Nhưng nước Anh có thể và phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc này.

Báo cáo mới của Bright Blue mang tên “Global green giants” có đưa ra các chính sách mới đầy tham vọng để chống lại IWT. Cụ thể: Đạo luật Magnitsky 2012 cho phép chính phủ Hoa Kỳ xử phạt đóng băng tài sản các cá nhân liên quan đến vi phạm nhân quyền. Vương quốc Anh cũng đã thông qua luật tương tự vào năm 2018.

Luật pháp tương tự nên được ban hành để xử phạt những người bị nghi ngờ có hành vi hủy hoại tổng số các loài và sinh cảnh, trong đó loại hình phạt và thẩm quyền ban hành theo quyết định của Chính phủ Anh.

Các tổ chức cũng như các cá nhân cũng có thể liên quan đến IWT. Năm 2018, Bộ Phát triển Quốc tế và Bộ Ngoại giao cùng hoàng tử William ra mắt Nhóm đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền qua động vật hoang dã. Nhóm này bao gồm các đại diện 30 ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm mục đích tăng cường điều tra và truy tố liên quan đến IWT.

Nghĩa vụ

Cơ chế thành viên của Nhóm đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền qua động vật hoang dã hiện đang là tự nguyện. Ngược lại, một số tổ chức có nghĩa vụ bắt buộc ngăn chặn chế độ nô lệ trong chuỗi cung ứng, theo Đạo luật nô lệ hiện đại.

Nghĩa vụ này áp dụng cho các tổ chức thương mại có doanh thu từ 36 triệu bảng trở lên. Khung tương tự có thể được sử dụng để giám sát bắt buộc các luồng tài chính có thể xuất phát từ IWT.

Việc rời EU, nhất là chương trình EU-TWIX, có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực chống lại IWT. EU-TWIX là một chương trình thực thi lớn với cơ sở dữ liệu chứa hơn 55.000 hồ sơ các vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã (tính từ năm 2000) từ các quốc gia thành viên EU.

Năm 2015, Chính phủ Anh đã cung cấp 50.000 bảng cho chương trình EU-TWIX. Điều quan trọng đối với vai trò của Vương quốc Anh trong việc giải quyết IWT toàn cầu là vẫn giữ được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu này.

Các quốc gia Khối thịnh vượng chung chưa có khuôn khổ chính thức nào cho việc chia sẻ thông tin để giải quyết tỷ lệ IWT cao xảy ra ở các quốc gia thành viên.

Năm 2013, Kenya loại bỏ khỏi chợ đen hơn 23 tấn ngà voi, 343 kẻ săn trộm đã bị giết ở Nam Phi, và 31 cá thể voi và 41 cá thể tê giác bị săn trộm ở Ấn Độ.

Nhật Anh (Theo Ecologist)

Nguồn: