“Chúng tôi sẽ thành lập đoàn xuống thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh để kiểm tra mức độ rừng bần bị tàn phá và đề nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân quản lý nếu có vi phạm. Tôi mới nhận chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa được 4 tháng, nên nhiều vấn đề còn chưa nắm bắt hết. Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại hồ sơ và có thông tin cụ thể đến Báo Thanh tra”, ông Đỗ Anh Thy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết.
Hàng chục ha rừng bần quý hiếm bị xóa sổ
Theo ông Thy, đối với quy định về bảo vệ rừng thì ngành Nông nghiệp chỉ quản lý cây trên khu rừng đó. Việc san lấp nền đất, và đất rừng lại là chức năng của ngành Tài nguyên Môi trường (TN&MT) và chính quyền sở tại, do đó việc quản lý rừng hiện nay gặp nhiều khó khăn. Ông Thy cũng cho biết, rừng bần ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ đã được bàn giao cho UBND huyện Vạn Ninh quản lý, bảo vệ. Việc bàn giao này theo quyết định nào, công văn nào tôi sẽ cho kiểm tra lại và trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương.
Còn trao đổi với ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh qua điện thoại ông Bảo cho biết, hiện tại còn khoảng hơn 2 tháng nữa là tôi nghỉ chế độ rồi… Vấn đề quản lý rừng bần rất là phức tạp, cần nhiều thời gian mới trả lời hết. Đồng thời, ông Bảo hẹn sang tuần sau sẽ trả lời cụ thể.
Tiếp tục trở lại tìm hiểu nguyên nhân rừng bần bị hủy hoại tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tại đây nhiều người dân cho rằng: Rừng bần bị “bức tử” có nguyên nhân chính là do các đối tượng san nền đất trên khắp các khu rừng này, nên nước biển không thể chảy vào rừng và cây bần thiếu nước mặn nên chết khô. Một nguyên nhân khác, một số đối tượng còn dùng thuốc khai hoang nông nghiệp phun vào rừng và cây bần chết nhanh hơn.
Theo thống kê của người dân, tháng 6/2019, trên khu rừng bần này chỉ có 27 ngôi nhà xây dựng, đến nay có khoảng trên 150 căn nhà kiên cố đã xây trên đất rừng bần. Ngoài ra, còn có gần 100 nền đất đã được san, phân lô và sẽ tiến hành làm nhà. Cũng theo người dân cho biết, do tình trạng “sốt đất”, một số đối tượng hám lợi đã ngang nhiên chiếm đất rừng, san nền, phân lô để bán. Mỗi nền đất tại đây có giá từ 400 – 500 triệu đồng, tùy vào diện tích lớn nhỏ và mỗi nền đất ở đây có diện tích trên 100 đến gần 200m2.
Người dân cho rằng, việc phá rừng, san đất nền để bán dễ dàng như vậy là có cơ quan quản lý “chống lưng”. Trong sự việc này dễ có sự chung chi, chia chắc quyền lợi.
“Tất nhiên là có cán bộ quản lý “bảo kê” rồi? Nếu không thì sao có thể chiếm và hủy hoại rừng, phân lô bán đất ồ ạt và dễ dàng như thế? Lợi nhuận lớn, 1 lô đất có giá 400 – 500 triệu. Tất nhiên có được những lô đất như thế là phải có chung chi, chia chác và “chống lưng”… Những việc làm này, dân chúng tôi ở đây sao không biết, nhưng tiêu cực đến mức độ nào thì cần cơ quan chức năng điều tra vào cuộc làm rõ”, ông Ngô Minh Thơ, Cựu chiến binh Đoàn tàu không số, lão thành cách mạng sống tại đây cho biết.
Cũng liên quan đến công tác bảo vệ rừng bần, trước đó đã có đơn tố giác ông Đặng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ có hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015”. Cụ thể, là buông lỏng quản lý để các đối tượng chiếm và hủy hoại rừng bần, san nền xây nhà trái phép. Ngoài ra, còn có đơn tố cáo ông Hòa buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm đất công. Điển hình là con đường dân sinh của dân đi xuống biển tại thôn Tuần Lễ đã bị bà Trần Thị Ngọc Vân lấn chiếm, rào lại bằng lưới thép B40 (ảnh trên).
Đề nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa, chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đã làm mất rừng và đất rừng bần. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi phá rừng, san đất nền để bán trục lợi của tập thể và các nhân.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.