Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 6-3

Ý trở thành nước có ca tử vong do COVID-19 gây ra cao nhất ngoài Trung Quốc. Thêm một bang ở Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp. Hàn Quốc phát hiện thêm “ổ dịch” gần Daegu.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ 21 phút ngày 6-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gây ra là 3.348 (tăng 45 ca so với tối 5-3). Tổng số ca nhiễm là 97.381. Có 53.457 ca chữa khỏi.

Trong đó, số ca nhiễm và tử vong tại Trung Quốc lần lượt là 80.409 và 3.012.

Có 336 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, Ý cao nhất với 148 ca, Iran 107 ca, Hàn Quốc 40 ca, Nhật Bản 12 ca (đã tính sáu ca trên du thuyền Diamond Princess neo tại nước này), Pháp bảy ca, Tây Ban Nha một ca, Anh một ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Thụy Sĩ một ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Philippines một ca, Iraq hai ca, San Marino một ca.

Riêng tại Việt Nam, đã có 16/16 trường hợp nhiễm được chữa khỏi và chưa ghi nhận ca nhiễm mới kể từ ngày 13-2.

Anh có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19

Theo hãng tin RT, nhà chức trách y tế ở Vương quốc Anh tiết lộ rằng nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 khi số ca nhiễm tại nước này tăng lên 116.

Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết bệnh nhân là một người lớn tuổi và có sẵn các bệnh tiềm ẩn.

“Bệnh nhân trước đó đã nhập và xuất viện vì những lý do không liên quan tới virus Corona chủng mới nhưng lần này nhập viện và đêm qua được xét nghiệm và cho ra kết quả dương tính với virus Corona chủng mới. Gia đình bệnh nhân đã được thông báo” – NHS cho biết.

Tính đến nay, Vương quốc Anh ghi nhận tổng cộng 116 ca dương tính với COVID-19. Phần lớn (105 ca) ca nhiễm là ở Anh, các ca nhiễm còn lại được ghi nhận ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.

Ý: 148 ca tử vong – nước có số ca tử vong cao thứ hai ngoài Trung Quốc

Theo kênh Al Jazeera, Ý ngày 6-3 thông báo nước này ghi nhận thêm 41 ca tử vong mới do COVID-19 gây ra, nâng tổng số ca tử vong tại Ý lên 148 và trở thành nước có số ca tử vong cao thứ hai ngoài Trung Quốc.

Đấu trường La Mã tại Rome (Ý) vắng du khách. (Ảnh: REUTERS)

Virus Corona chủng mới đã lây sang tất cả 22 vùng của Ý, khiến Rome đưa ra các biện pháp chưa từng có, trong đó có đóng cửa tất cả trường học và trường ĐH, công bố kế hoạch cứu trợ trị giá 8,4 tỉ USD.

Nam Phi ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Bộ Y tế Nam Phi ngày 5-3 thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bệnh nhân là nam giới, 38 tuổi, đã từng cùng vợ tới Ý du lịch. Họ là thành viên trong một nhóm du lịch gồm 10 người, trở về Nam Phi vào ngày 1-3.

Trước đó gần một ngày, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize nhấn mạnh lực lượng y tế dân sự và quân y đã được tăng cường ở mức cao nhất tại tất cả cửa khẩu nhằm phát hiện những trường hợp hành khách nhập cảnh có biểu hiện nhiễm bệnh.

Bên cạnh việc chỉ định 18 bệnh viện lớn là cơ sở cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, chính phủ Nam Phi cũng đã trang bị trang thiết bị cần thiết cho các cơ sở y tế tại toàn bộ chín tỉnh của nước này nhằm tăng cường chống dịch.

Du khách đeo khẩu trang đến từ Thâm Quyến (Trung Quốc) tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: AFP)

Hiện chính phủ Nam Phi chưa xem xét ban bố lệnh cấm xuất nhập cảnh, đình chỉ các hoạt động giao thương quốc tế cũng như hủy các sự kiện lớn. Tuy nhiên, ông Mkhize khẳng định Nam Phi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến mới nhất để đưa ra những quyết định kịp thời.

Ông Mkhize nói rằng những công dân nước này đang cách ly ở Trung Quốc sẽ được đưa về nhà trong vài ngày tới.

Hàn Quốc: Số ca nhiễm hơn 6.000, phát hiện thêm “ổ dịch” thứ ba gần Daegu

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) chiều 5-3 công bố thêm 322 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 6.088. Đến nay đã có 41 người tử vong do COVID-19, chủ yếu là các bệnh nhân cao tuổi có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Khoảng 60% các ca nhiễm bệnh liên quan đến nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở Daegu, TP lớn thứ tư của Hàn Quốc với 2,5 triệu dân. Tuy nhiên, các cơ quan y tế đã chuyển trọng tâm sang xét nghiệm những người dân bình thường ở Daegu do mức độ lây nhiễm cộng đồng đáng báo động. Một cụm dịch thứ ba gần Daegu đã được chỉ định là “khu vực chăm sóc đặc biệt”.

Trong tổng số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc, 4.327 trường hợp ở Daegu và 861 trường hợp ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là hai cụm dịch lớn của Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Ganglip nói với báo giới rằng chính phủ đã chỉ địch TP Gyeongsan thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc – liền kề Daegu và quận Cheongdo là “khu vực chăm sóc đặc biệt” thứ ba tại nước này. Gyeongsan đến nay ghi nhận tổng cộng 229 trường hợp nhiễm COVID-19, ông Kim nói.

Cùng với Daegu, Cheongdo – nơi ghi nhận 116 ca nhiễm đến nay được chỉ định là vùng chăm sóc đặc biệt từ ngày 21-2. Chính quyền trung ương đã cung cấp thêm nguồn lực và đội ngũ y tế tới những khu vực này.

Mỹ: Thêm một bang ban bố tình trạng khẩn cấp

Sau bang California, bang Hawaii ngày 4-3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm tăng cường các nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa từ dịch COVID-19.

“Ưu tiên số một của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của cộng đồng trên toàn bang. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền có thể hành động nhanh và hiệu quả hơn trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh và cung cấp viện trợ khẩn cấp khi cần thiết”, Thống đốc bang Hawaii – ông David Ige nói trong một tuyên bố.

Tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu ngay lập tức và kéo dài đến ngày 29-4.

Tính đến nay, Hawaii chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh nhưng có 72 người đang tự theo dõi với sự giám sát của lực lượng y tế.

Trung Quốc dùng thuốc Actemra điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng

Theo trang tin Channel News Asia, Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng thuốc kháng viêm Actemra của hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche để điều trị cho các bệnh nhân nặng do nhiễm COVID-19, trong khi đang nỗ lực tìm cách mới chống dịch do virus này gây ra.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP)

Actemra là một loại thuốc sinh học, đã được Mỹ phê chuẩn năm 2010 để trị bệnh viêm khớp, thấp khớp (RA), có khả năng ngăn chặn tình trạng protein Interleukin 6 (IL6) tăng cao, vốn gây các bệnh viêm nhiễm.

Trong hướng dẫn điều trị công bố trên mạng ngày 4-3, NHC cho biết thuốc Actemra giờ đây có thể được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 có biểu hiện suy phổi nghiêm trọng và IL-6 ở mức cao.

Trong một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc sẽ thử nghiệm thuốc Actemra trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài ba tháng đối với 188 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thử nghiệm kéo dài từ ngày 10-2 tới ngày 10-5.

Roche, hãng đã tài trợ số lượng thuốc Actemra trị giá 14 triệu nhân dân tệ ( 2, 02 triệu USD) trong tháng 2 vừa qua, cho biết việc thử nghiệm ban đầu do một bên thứ ba tiến hành độc lập, với mục đích nghiên cứu tính hiệu quả và độ an toàn của thuốc này đối với bệnh nhân mắc Hội chứng phóng thích cytokine (CRS) nghiêm trọng, tức là một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, được coi là một nhân tố chính dẫn tới suy cơ quan và tử vong.

Hãng cũng cho biết thêm rằng hiện chưa có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy độ an toàn hay tính hiệu quả của thuốc này chống virus.

Theo Economic Times, kể từ khi được đưa vào sử dụng cách đây một thập niên, Actemra đã trở thành thuốc dùng để chống viêm, bao gồm cả CRS đối với bệnh nhân ung thư. Năm 2012, thuốc đã cứu sống một bé gái người Mỹ, trở thành em nhỏ đầu tiên được chữa khỏi bệnh bạch cầu.

Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc hiện chưa phê chuẩn thuốc Actemra để điều trị bệnh nhân COVID-19 và các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc cũng đang chạy đua với thời gian để bào chế thuốc thay thế.